Chủ tịch Quốc hội rời Hà Nội tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5

Chính trị - Ngày đăng : 09:35, 05/09/2021

Sau khi tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan.
chu-tich-quoc-hoi-roi-ha-noi-tham-du-hoi-nghi-cac-chu-tich-quoc-hoi-the-gioi-lan-thu-5.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu, Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan

Sáng 5/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5-11/9.

Chuyến tham dự, thăm và làm việc với các nước của Chủ tịch Quốc hội đươc thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli và Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehvilainen.

Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang; Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên.

Tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta có ý nghĩa chính trị quan trọng. Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau khi được kiện toàn tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV và sau gần 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid - 19.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta sẽ chuyển tải thông điệp, hình ảnh về đất nước Việt Nam với một Quốc hội hành động, là quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong hợp tác đa phương, có chính sách đối ngoại rộng mở, khát khao phát triển, nỗ lực vươn lên trong đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội và Đoàn tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới khẳng định cam kết chủ động, tích cực, tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chuyến thăm làm việc với EP, Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU/EP - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Bỉ và Phần Lan cũng như quan hệ hợp tác nghị viện với các nước đến thăm. Các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn sẽ góp phần thực hiện ngoại giao phục vụ kinh tế, thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA), vận động nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA), khẳng định chủ trương của Việt Nam duy trì môi trường ổn định, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội cũng thể hiện sự coi trọng của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam đối với Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, với IPU, EP/EU, Áo, Bỉ, Phần Lan và nghị viện các nước. Đây cũng là cơ hội Việt Nam triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương kết hợp song phương, ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII: chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Chuyến thăm cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sau một thời gian dài chịu tác động của đại dịch.

Ngọc Mai