Chiếm đoạt tiền từ thiện chi tiêu cá nhân bị xử lý như thế nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 10:43, 03/09/2021
Hỏi: Thời gian qua tôi thấy mạng xã hội lan truyền rất nhiều thông tin về trường hợp một số nghệ sĩ đứng ra kêu gọi người dân ủng hộ chương trình từ thiện do chính mình tổ chức, nhưng sau đó không sử dụng hết số tiền nhận được vào mục đích ban đầu. Vậy tôi xin hỏi, trường hợp các nghệ sỹ thực sự chiếm đoạt số tiền này để chi tiêu cá nhân theo như phản ánh trên mạng xã hội thì hành vi này có vi phạm pháp luật không? Và mức xử phạt trong trường hợp này là như thế nào?
Nguyễn Đăng Lâm, Đống Đa, Hà Nội
Trả lời:
Những thông tin được đưa lên mạng xã hội là những phản ánh một chiều từ phía cá nhân, không phải kết luận chính thức của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, những thông tin đó chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là căn cứ để đánh giá tính đúng sai. Một người chỉ được coi là vi phạm pháp luật khi có kết luận chính thức của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Giả sử, có trường hợp cá nhân đứng ra kêu gọi người khác đưa tiền cho mình đi làm từ thiện ở một địa phương nào đó nhưng sau đó đã không sử dụng tất cả số tiền thu được vào đúng mục đích đã đề ra, mà có hành vi chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trường hợp mục đích chiếm đoạt tiền để tiêu xài cá nhân xuất hiện từ trước khi cá nhân đó nhận được tiền quyên góp từ thiện và số tiền chiếm đoạt thực tế từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức phạt tù từ 6 tháng tới tù chung thân.
Trường hợp mục đích chiếm đoạt tiền để tiêu xài cá nhân xuất hiện sau khi cá nhân đó nhận được tiền quyên góp từ thiện và số tiền chiếm đoạt thực tế từ 4 triệu đồng trở lên thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Mức phạt tù từ 6 tháng tới 20 năm tù.
Trường hợp chiếm đoạt tiền của người khác quyên góp từ thiện để sử dụng vào mục đích cá nhân không thuộc vào hai trường hợp trên thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1 tới 2 triệu đồng.
Mỗi cá nhân đứng trước những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng cần hết sức kiềm chế, tỉnh táo để tránh trường hợp vi phạm pháp luật do đưa tin không chính xác lên mạng xã hội, vu khống, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác.
Những cá nhân nhận được tiền quyên góp từ thiện của người khác cũng cần phải thực hiện thiện chí, trung thực các cam kết ban đầu hạn chế những hậu quả pháp lý tiêu cực không mong muốn.