Luật Cảnh sát cơ động cần phải bám sát 5 quan điểm chỉ đạo

Chính trị - Ngày đăng : 20:00, 31/08/2021

Ngày 31/8, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp.

phien-hop.jpg

Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là một trong 7 dự án luật đầu tiên trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ Hai tới đây.

Phiên họp này, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết ban hành dự án Luật; Hồ sơ dự án Luật; sự phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, sự phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật; Nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ (Điều 10, Điều 11 dự thảo Luật); Hệ thống tổ chức của CSCĐ (Điều 14 dự thảo Luật); Điều động CSCĐ (Điều 19 dự thảo Luật)...

Bổ sung nhiều nội dung quan trọng

Theo Tờ trình về dự thảo Luật CSCĐ của Bộ Tư lệnh CSCĐ cho biết, qua 7 năm thực hiện, Pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật CSCĐ là cần thiết.

Theo đó, dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều (tăng 8 điều so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động) quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; viêc bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động.

Dự thảo Luật cũng sung 1 điều quy định về hợp tác quốc tế của CSCĐ (Điều 8), trong đó xác định các nguyên tắc và nội dung hợp tác quốc tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho CSCĐ trong thực hiện hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật các nước trên thế giới sâu rộng và hiệu quả hơn; bổ sung 3 nhiệm vụ cho CSCĐ (Điều 10), đây là các nhiệm vụ trên thực tế CSCĐ đang thực hiện, nay cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi; bổ sung 2 quyền hạn cho Cảnh sát cơ động (Điều 11).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn bổ sung, làm rõ quy định về hoạt động của CSCĐ gồm: xây dựng và thực hiện phương án; biện pháp công tác; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và huy động người, phương tiện, thiết bị (tại các Điều 12, 13, 17 và 18) bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan...

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về vị trí, chức năng của CSCĐ, có ý kiến đại biểu cho rằng cần bỏ cụm từ “chuyên trách”, bởi Điều 22, Luật An ninh quốc gia không xác định CSCĐ là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; đồng thời, Điều 3, Pháp lệnh CSCĐ hiện hành cũng không xác định CSCĐ là lực lượng chuyên trách trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Do đó, đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định rõ hơn vị trí, chức năng đặc thù của CSCĐ khác với các lực lượng khác trong công an nhân dân.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định như dự thảo luật là có căn cứ, phù hợp tình hình thực tế hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, cần đánh giá tác động cụ thể, nếu cần thiết thì đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật".

Cần bám sát 5 quan điểm chỉ đạo

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh cần thiết ban hành Luật CSCĐ nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng CSCĐ thực hiện các nhiệm vụ theo đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của Chính phủ.

quang-phuong.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.

Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần bám sát 5 quan điểm chỉ đạo về đổi mới công tác lập pháp.

Thứ nhất là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thể chế kịp thời đường lối, chủ trương và vì mục tiêu vì con người theo phương châm là nhân dân, nhân đạo, nhân văn, bảo đảm quyền con người được pháp luật bảo đảm.

Thứ hai là, tạo lập hành lang pháp lý để điều chỉnh tất cả các hành vi của con người.

Thứ ba là tạo đột phá, chuyển từ cái tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo và phát triển, có nghĩa là không phải thấy cái gì bất hợp lý là cấm, quản không được là cấm; giải quyết khó khăn từ thực tiễn, bảo đảm sự bao phủ của pháp luật, trong đó bao phủ trong điều kiện phát triển mới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, của các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Thứ tư là, bảo đảm dân chủ, thực chất và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào tham gia xây dựng luật.

Và cuối cùng là, tôn trọng luật pháp quốc tế, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Dự thảo luật liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của nhiều lực lượng quy định tại nhiều luật chuyên ngành. Do đó, cần rà soát bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột trong thực thi nhiệm vụ của các lực lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung củ dự thảo Luật, trong đó có phạm vi hoạt động. Theo đó, dự thảo Luật còn hơi “luẩn quẩn”, nếu trùng với các lực lượng khác là không được, trường hợp nào dùng CSCĐ thì chưa rõ? Vì vậy, cần rà soát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền, phạm vi hoạt động, trường hợp sử dụng, kể cả trường hợp cấp bách huy động như thế nào? Bên cạnh đó là rà soát kỹ quy định về tổ chức hệ thốn, tổ chức quan hệ trong các cơ chế phối hợp với các lực lượng khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên tinh thần vì Nước, vì dân, không phải "vì anh, vì tôi" nên bên cạnh việc đúng đường lối, quan điểm, đúng Hiến pháp, pháp luật cần bảo đảm phải tiết kiệm ngân sách trong điều kiện, khả năng của nền kinh tế.

Trên các cơ sở thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này Ban soạn thảo nghiên cứu để có những dự kiến tiếp thu, nội dung cần giải trình và gửi tài liệu báo cáo kèm theo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nguyên Bình