Doanh nghiệp liên kết để cùng nhau vượt qua đại dịch

Kinh tế - Ngày đăng : 15:06, 31/08/2021

Việc các doanh nghiệp gắn kết lại thành một cộng đồng sẽ giúp các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt qua đại dịch.

“Muốn đi xa thì đi cùng nhau”

Theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt phía Nam đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài. Trong hoàn cảnh hiện nay, các doanh nghiệp hiểu rằng Chính phủ đang dốc sức chống dịch và nỗ lực duy trì hoạt động kinh tế nhằm đạt mục tiêu kép.

Tuy nhiên, những khó khăn đã gần vượt sức chịu đựng của đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, các DN gặp nhiều khó khăn như: thiếu dòng tiền, chi phí đầu vào, chi phí vẩn chuyển tăng, lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng, khó tiếp cận vốn vay…

Do đó, để vượt qua đại dịch song song với việc ổn định nền kinh tế, các doanh nghiệp đang phải tìm hướng đi phù hợp, thích hợp nhất với doanh nghiệp của mình để giúp doanh nghiệp phát triển, ổn định để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì ổn định đời sống cho người lao động.

Đây là thời điểm “sức khỏe” DN đang rất yếu, do đó, thông điệp “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

1.jpeg

Doanh nghiệp cần liên kết với nhau để vượt qua đại dịch.

Đảng, Nhà nước và Chính phủ vẫn luôn song hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, cùng nhân dân, tìm mọi giải pháp để vượt qua sóng gió COVID-19. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 đã được triển khai như: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, vai trò hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ với doanh nghiệp hết sức quan trọng. Song dù thế nào, nỗ lực của bản thân doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quyết định. Và đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giải pháp… cùng nhau vượt qua đại dịch.

Các doanh nghiệp gắn kết cùng nhau chiến thắng đại dịch

Các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược, tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTAs mà Việt Nam tham gia, cần nỗ lực tham gia chuỗi giá trị, lựa chọn đối tác hiệu quả và "cùng thắng".

Chia sẻ tại tọa đàm “Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp SMEs thời COVID”, bà Vũ Thị Thuận, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Traphaco chia sẻ: Đúc rút kinh nghiệm từ DN mình khi vẫn “sống tốt, sống khỏe” trong đại dịch, bà Thuận cho rằng, không có cách nào khác, chúng ta cần đẩy mạnh công nghệ số. Chưa bao giờ chuyển đổi số lại phát triển như bây giờ, đây là là con đường tốt nhất để giữ vững ổn định bởi nó không những là con đường tất yếu trong tương lai, thích ứng với hội nhập quốc tế và trước mắt tiết kiệm khoản chi phí rất lớn cho DN.

2.png

Hợp tác, chia sẻ là “vaccine cho doanh nghiệp” hữu hiệu trong thời COVID-19.

Ngay từ khi dịch bùng phát, Traphaco đã đầu tư giải pháp phần mềm quản trị nhân sự, đồng thời chuẩn hoá lại hết các quy trình quản trị nhân sự, xây dựng và áp dụng hệ thống Lương 3P, đặc biệt là chú trọng nhiều hơn vào công tác quy hoạch và phát triển nhân tài để chuẩn bị cho những bước tiến xa hơn sau giai đoạn đại dịch.

Hay Sunhouse “bắt tay” với ITG Technology triển khai giải pháp Nhà máy thông minh “make in Vietnam” - 3S iFACTORY - một trong những giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ tốt khách hàng và thị trường trong kỷ nguyên 4.0.

Rồi Công ty Cổ phần Vua Nệm cũng liên kết với Công ty Cổ phần phần mềm OOS để thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản trị nhân sự bằng cách sử dụng nền tảng EFY-E-contract, E-hiring.

Và còn nhiều giải pháp khác được các doanh nghiệp đưa ra nhưng có lẽ giải pháp DN liên kết, hợp tác, chia sẻ để cùng vượt khó nhằm tạo ra “vaccine cho mỗi bản thân DN mình” là hữu hiệu hơn cả.

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh cho rằng, tác động của COVID-19 đến thời điểm này đòi hỏi DN phải thay đổi chiến lược so với khi mới xảy ra. Mỗi doanh nghiệp đều có một chiến lược riêng nhưng để đi nhanh hơn, tiến xa hơn thì các doanh nghiệp nên học hỏi lẫn nhau, chia sẻ với nhau kinh nghiệm và “bắt tay” nhau… “chiến thắng” đại dịch.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trang Nhi