Đặc xá không phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào

Chính trị - Ngày đăng : 14:00, 31/08/2021

Việc đặc xá không phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào, cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà khẳng định.
dac-xa-khong-phan-biet-hoac-han-che-bat-ky-pham-nhan-nao.jpg
Ông Phạm Thanh Hà: Tất cả các phạm nhân được đặc xá lần này đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam và đã bị TAND các cấp  tuyên phạt 

Sáng nay (31/8), Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ chủ trì buổi họp báo.

Đại diện một số bộ, ngành liên quan tham dự.

Đặc xá năm 2021 có những quy định chặt chẽ hơn

Phát biểu và công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá, tha tù cho phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có điều kiện được đặc xá theo quy định của pháp luật.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Đăc xá năm 2021 khác với các lần đặc xá trước, quyết định về đặc xá lần này đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được đề nghị đặc xá và các trường hợp không đề nghị đặc xá. Do đó, số phạm nhân được đặc xá lần này cũng ít hơn so với các lần đặc xá trước.

Để thực hiện công tác đặc xá, Chủ tịch nước đã ký quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên là đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Trong đó, Bộ Công an là cơ quan Thường trực của Hội đồng; Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021, thay mặt Chính phủ chủ trì, phối hợp với TANDTC, VKSNDTC và các cơ quan có liên quan xét duyệt hồ sơ, danh sách phạm nhân được đề nghị đặc xá, trong đó có các trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 22, Điều 23 Luật Đặc xá năm 2018 và Điều 5 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Sau đó, Bộ Công an tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác đặc xá từ Trung ương đến địa phương; đồng thời, các cấp, ngành, địa phương đều có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Trong quá trình xét đặc xá, cơ quan Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá đã tổ chức các đoàn công tác đến các trại giam, trại tạm giam, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc xét đặc xá theo đúng quy định pháp luật.

Theo kế hoạch tuyên truyền về công tác đặc xá năm 2021, các cơ quan thông tin đại chúng đã đưa tin kịp thời, tuyên truyền, giải thích về chủ trương đặc xá của Đảng, Nhà nước; tạo điều kiện cho mọi công dân và những người quan tâm hiểu rõ về chính sách khoan hồng, truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

“Khi xem xét đặc xá phải tuân thủ theo nguyên tắc bảo đảm nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng đối tượng và đúng điều kiện đã được quy định để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét, không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá,” ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Đặc xá không phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cũng nêu rõ, Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người có hành vi vi phạm, phạm tội là nghiêm trị kết hợp với khoan hồng.

Chính vì vậy, hình phạt bằng pháp luật hình sự của Nhà nước áp dụng không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống.

Mặt khác, đặc xá còn thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước và tính ưu việt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tốt.

Ông Phạm Thanh Hà khẳng định, tất cả các phạm nhân được đặc xá lần này đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam và đã bị TAND các cấp của Việt Nam tuyên phạt theo các chế tài được quy định tại Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam.

Việc đặc xá không phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào, cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài, nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được xét đặc xá.

Việc Đảng, Nhà nước đặc xá cho những phạm nhân là chính sách nhân đạo, không chỉ dừng lại ở việc đặc xá, tha tù trước thời hạn mà còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá, tha tù tái hòa nhập cộng đồng.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá, tha tù trở về nơi cư trú, gồm cả những phạm nhân được đặc xá và phạm nhân hết hạn tù, sớm hòa nhập cộng đồng.

Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi công dân tiếp tục quan tâm, quản lý, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ những phạm nhân được đặc xá, trở về hòa nhập cộng đồng, như mục tiêu của Chính phủ đặt ra tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP.

Các phạm nhân đặc xá sẽ được tiêm vaccine, đảm bảo di chuyển về địa phương an toàn

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Quyết định đặc xá số 1535/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30/8/2021, có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

Theo đó, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch và các Thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

dac-xa-khong-phan-biet-hoac-han-che-bat-ky-pham-nhan-nao-1.jpg
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời cầu hỏi của phóng viên. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, số phạm nhân người nước ngoài được đặc xá trong đợt này là 21 người thuộc 8 quốc tịch. Bên cạnh đó, số phạm nhân thuộc chương xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (là những người từng giữ các chức vụ và những người có liên quan) được đặc xá là 283 người.

Các phạm nhân được đặc xá đợt này đã nộp tổng cộng 80 tỷ đồng, bao gồm khắc phục hậu quả và các phần án dân sự. Trong đó, cựu trưởng Ban quản lý dự án công trình liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn – Trần Khắc Hiệp (64 tuổi) nộp nhiều nhất với 10 tỷ đồng. Ông Hiệp chấp hành án tại trại giam Thanh Xuân, Hà Nội và được đặc xá trong lần này.

“Việc đặc xá thể hiện tinh thần nhân đạo, khoan dung của Đảng và Nhà nước với người phạm tội, để tạo cho họ một cơ hội sớm trở về hòa nhập cộng đồng, giúp ích cho xã hội”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, thực hiện chủ trương đặc xá, các lực lượng đã triển khai đồng bộ và quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn, đúng quy định của pháp luật cho người được đặc xá.

Các phạm nhân đặc xá sẽ được tiêm vaccine Covid-19, xét nghiệm nếu âm tính thì sẽ được đảm bảo việc di chuyển về địa phương an toàn. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng chuẩn bị, tạo điều kiện với hơn 300 doanh nghiệp đã đồng ý tiếp nhận những người được đặc xá để tạo công ăn việc làm cho người được đặc xá sớm tái hòa nhập cộng đồng

Trọng Bằng