Những “chiến binh” thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Đời sống - Ngày đăng : 11:30, 30/08/2021

Trận chiến chống dịch Covid-19 của tỉnh Bình Dương đang bước vào giai đoạn gian nan, khó khăn, thì vai trò của các bác tổ trưởng khu phố lại càng được khẳng định rõ rệt. Họ cùng với chính quyền địa phương đang dồn hết sức, hết lòng vì người dân, công nhân lao động nghèo, giúp lan tỏa tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh.

Shiper bất đắc dĩ

Thị xã Tân Uyên là địa bàn “nóng” của Bình Dương về số ca mắc Covid-19, những ngày này các bác tổ trưởng dân phố đang miệt mài vận chuyển lương thực,  đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân trong 15 ngày thực hiện “khóa chặt, đông cứng”, “ai ở đâu thì ở yên đó”.

Ông Nguyễn Hữu Công, tổ trưởng khu phố Khánh Lộc, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên là một trong những người tham gia tích cực trên mọi mặt trận phòng chống dịch. Song song với việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trực chốt, ông Công luôn nỗ lực hỗ trợ để đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân.

nhung-chien-binh-tham-lang.jpg
Ông Nguyễn Hữu Công đi phát lương thực cho bà con trong những ngày địa phương thực hiện “ai ở đâu thì ở yên đó”

Đặc biệt, trong mấy ngày này, ông Công quên ăn, quên ngủ, tất bật chạy ngược xuôi, đến từng ngõ, gõ từng nhà để phát lương thực cho người dân. “Đôi khi, còn bị mắng vốn vì người phát trước, người phát sau. Nhưng thôi cũng kệ, vì biết bà con họ đang khó khăn, chỉ biết cố gắng phát càng sớm càng tốt, không bỏ sót ai”, ông Công nói.

Ông Công kể, bây giờ khu phố thực hiện “khóa chặt, đông cứng”, nên lương thực được các tổ chức đoàn thể, bộ đội cấp phát miễn phí đến từng nhà, còn trước đó đích thân chú cũng thường xuyên vận động nhà hảo tâm để phát gạo cho bà con. “Tôi đã vận động được khoảng 2,5 tấn gạo, sau đó đi chia đều cho người dân, trường hợp công nhân lao động ở trọ có hoàn cảnh khó khăn tôi còn tặng thêm một số đồ dùng nhu yếu phẩm”, ông Công cho biết. 

Riêng những hộ gia đình có ca F0, bị cách ly hoặc bị bệnh, nếu cần hỗ trợ hay muốn mua gì thì chỉ cần nhắn tin qua điện thoại, chú Công sẽ trực tiếp đi mua dùm và tình nguyện làm “shiper miễn phí” để giao đến tận nhà.

Ở tuổi 82, nhưng tinh thần nhiệt huyết của cụ Huỳnh Văn Tân, tổ trưởng kiêm chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ khu phố 8, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên khiến người ta không khỏi nể phục, ở cái tuổi “thập cổ lai hy”, đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, tận hưởng tuổi già bên con cháu, thì cụ Tân vẫn rất “xung” khi “đi từng ngỏ, gõ từng nhà” để vận động, tuyên truyền bà con cách phòng chống dịch. Nhiều khi ông già 82 tuổi còn là shiper bất đắc dĩ cho bà con khu phố. Chính sự sâu sát này đã và đang mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn phường Uyên Hưng.

Cụ Tân kể, khu phố của cụ có trên 1.000 khẩu, trong đó có rất nhiều người lao động nghèo, dịch giã kéo dài khiến cuộc sống họ đã khó nay lại càng khó hơn. Thấy vậy, cụ đã tìm đến những hộ gia đình khá giả trên địa bàn vận động họ giúp đỡ, từ đầu mùa dịch, cụ đã kêu gọi được 3 tấn gạo để phát cho công nhân ở trọ, khi nào trên phường có lương thực hay nhu yếu phẩm cụ tức tốc xách xe máy chạy lên xin để về phân phát thêm cho họ. Những hộ khó khăn trong việc đi lại, cụ tận tình đem đồ đến tận nhà không quản ngại nắng mưa.

Thế nhưng, mấy ai biết được, hoàn cảnh của cụ Tân lại rất đáng thương, vợ chồng cụ có ba người con, hai người thì đã yên bề gia thất, còn một người con nay đã gần 50 tuổi, nhưng khóc cười vô thức, một tay vợ chồng cụ phải chăm lo từ miếng cơm, giấc ngủ cho anh, khó khăn là vậy nhưng cụ vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc hay than khổ. Thấy chồng ngày đêm bận rộn, miệt mài với công việc của khu phố, vợ cụ vừa thương lại vừa lo. Bà thương vì cụ được theo đuổi công việc ý nghĩa, nhưng cũng lo vì thấy cụ vất vả cả ngày lẫn đêm, lại tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm rất cao, những lúc như vậy, cụ lại gạt đi “chắc tui làm việc tốt nên được ông bà phù hộ”.

nhung-chien-binh-tham-lang-2.jpg
Cụ Huỳnh Văn Tân- 82 tuổi (áo trắng) đang phát gạo và tiền cho các hộ dân trong khu phố

Hơn 40 năm "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, cụ Tân đã không phụ sự tín nhiệm của nhân dân. Có thể thấy, khi cả nước đang cùng chung tay ứng phó với đại dịch, thì những việc làm ý nghĩa của Tổ trưởng dân phố Huỳnh Văn Tân như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để chiến thắng dịch bệnh.

Phụ cấp chưa tương xứng!

Cùng với thị xã Tân Uyên, TP Thuận An cũng là địa phương có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 trong tỉnh, 4 phường của địa phương này cũng đang phải thực hiện biện pháp “khóa chặt, đông cứng”. Phát huy vai trò của người tổ trưởng khu phố, ông Nguyễn Văn Đẹp (60 tuổi), tổ trưởng kiêm chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ khu phố Bình Phước A, phường Bình Chuẩn luôn tiên phong trong mọi hoạt động của phường.

Khu phố Bình Phước A có hơn 1.000 khẩu, trong đó có tới hơn 70% là công nhân lao động ngoài tỉnh, ông Đẹp xác định đây là đối tượng cần được trợ giúp nhiều hơn, vì đa phần họ đều ở trọ, nguy cơ lây nhiễm cao, trong khi đó lại ít anh em, người thân hỗ trợ. Gia đình ông cũng có hơn 40 phòng trọ, từ đầu mùa dịch ông đã giảm 40% tiền phòng cho người thuê, rồi đi phân phát gạo, rau củ, nhu yếu phẩm cho từng phòng.

Điều không may xảy ra với ông trong lúc làm nhiệm vụ là bản thân bị mắc Covid-19, nhờ biết cách tự chăm sóc cũng như có sức khỏe tốt nên ông đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đã được xuất viện, hiện nay sức khỏe của ông đã ổn định. Sau nhiều lần xét nghiệm âm tính, ông lại tiếp tục “chiến đấu”.

Tổ trưởng dân phố Nguyễn Văn Đẹp đã nói “được người dân tin tưởng là niềm động viên vô cùng lớn lao nên tôi không thể phụ lòng”. Những việc làm thiết thực của chú Đẹp trong gần 30 năm làm công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” xứng đáng được tôn vinh.

nhung-chien-binh-tham-lang-3.jpg
Ông Nguyễn Văn Đẹp chuẩn bị các phần quà để trao cho người ở trọ

Ông Tôn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn, TP Thuận An cho biết, khi cả nước đang cùng chung tay ứng phó với đại dịch, những việc làm ý nghĩa của Tổ trưởng dân phố Nguyễn Văn Đẹp như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để chiến thắng dịch bệnh. Ông Vinh cho rằng, vai trò của tổ trưởng dân phố rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19, họ ở trực tiếp trong khu dân cư, nên nắm rất rõ lịch trình của từng hộ gia đình để báo cáo với phường để hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch cũng như phân bổ lương thực cho bà con.

Có thể thấy, lực lượng tổ trưởng dân phố họ làm việc rất miệt mài, vất vả, cùng một lúc phải làm rất nhiều việc từ lo ăn uống, xét nghiệm rồi đi từng ngõ, gõ từng nhà thăm hỏi người dân… Trong khi phụ cấp cho lực lượng này lại khá thấp, chưa tương xứng với trọng trách của họ.

Thanh Thảo