Một số điều băn khoăn về sách tiếng Việt lớp 2
Giáo dục - Ngày đăng : 15:19, 29/08/2021
Một trong những bộ sách được nhiều trường ưu tiên lựa chọn cho học sinh lớp 2 là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 của bộ sách này đặt ra cho người sử dụng những băn khoăn...
Vì sao lại băn khoăn
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 thiết kế nội dung theo hướng lồng ghép, tuy nhiên về phần này có thể thấy những nhược điểm: Số lượng văn bản thơ nhiều, tác phẩm thơ là nằm trong dòng tác phẩm trữ tình …
Ví dụ: Tập 1, trang 17-18, bài 3: “Niềm vui của Bi và Bống” kể chuyện 2 anh em Bi và Bống nhìn thấy cầu vồng. Bi bảo em: “Anh nghe nói dưới chân cầu vồng có bảy hũ vàng đấy.” Bống hưởng ứng: “Lát nữa, mình sẽ đi lấy về nhé! Có vàng rồi, em sẽ mua nhiều búp bê và quần áo đẹp”. Bi cũng không chịu kém, nghĩ ngay đến chuyện mua sắm cho mình: “Còn anh sẽ mua một con ngựa hồng và một cái ô tô.”
Câu chuyện này dạy trẻ con mơ ước viển vông hay dạy trẻ lòng tham? Chẳng lẽ cứ thấy vàng là có thể lấy, mua sắm đủ thứ cho mình, mà không cần biết vàng đó của ai? Chi tiết này, dạy trẻ sự tận hưởng vật dụng đồ vật có giá trị mà không phải của mình. Đó cung là một điều băn khoăn của phụ huynh.
Truyện kể “Chúng mình là bạn” - Dạy học sinh an phận?
Tập 1, trang 96, nghe kể chuyện: “Chúng mình là bạn”. Câu chuyện tóm tắt như sau: Ếch ộp, sơn ca và nai vàng chơi thân với nhau. Chúng thường kể cho nhau nghe những điều mỗi con đã trải qua. Một hôm, chúng quyết định đổi chỗ cho nhau: chim sơn ca thì xuống nước, ếch ộp vào rừng, còn nai vàng thì tập bay. Kết quả là sơn ca suýt chết đuối, nai vàng ngã đau điếng, còn ếch ộp thì suýt chết đói trong rừng”.
Từ câu chuyện này, SGK đặt hỏi: “Ếch ộp, sơn ca và nai vàng đã rút ra được bài học gì?” Phải chăng bài học ở đây là “mỗi người thuộc về một nơi khác nhau, mỗi người có những khả năng riêng”, người ta không thể thay đổi môi trường sống, vượt lên số phận (như hướng dẫn trong sách giáo viên)?
Giáo viên sẽ trả lời như thế nào khi bao tấm gương đã thay đổi số phận vì họ đã dám nghĩ dám làm những điều tưởng như khó khăn, không thể?
Loại bỏ huyền thoại Con Rồng cháu Tiên?
Bài 27 (Tập 2, trang 119-120), với “Chuyện quả bầu”, thì theo câu chuyện, ngày xưa, có hai vợ chồng nọ thoát chết sau một trận lụt rất lớn, người vợ sinh ra một quả bầu. Một hôm, đi làm nương về, họ nghe tiếng lao xao trong quả bầu, vội lấy que dùi quả bầu thì từ trong quả bầu có những người nhỏ bé bước ra. “Đó là tổ tiên của các dân tộc anh em trên đất nước ta ngày nay”.
Dĩ nhiên là SGK có thể dạy những câu chuyện khác nhau về nguồn gốc dân tộc. Nhưng trong một bài học duy nhất ở lớp 2 về quê hương đất nước như bài “Việt Nam quê hương em” mà không dạy truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” thì liệu có “kết nối được tri thức” với Giỗ Tổ Hùng Vương, với hai tiếng thiêng liêng “đồng bào” không?
Lựa chọn bài không nổi bật, nếu sau này các em không tự học, tự đọc thêm, thì chuyện con Rồng cháu Tiên sẽ xa lạ với các em. Rồi những huyền tích, lịch sử văn hóa đáng tự hào của tổ tiên, dân tộc. Có lẽ tác giả SGK chưa nghĩ đến tình huống này.
Thiếu logic
Bài “Đất nước chúng mình” (trang 111, tập 2), có ghi: “Miền Bắc và miền Trung một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Miền Nam có hai mùa: mùa mưa và mùa khô.” Tây Nguyên cũng có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô; nhưng Tây Nguyên thuộc vùng Nam Trung Bộ, tức là miền Trung, đó là điều chưa logic.
Sách giáo khoa là người bạn tri thức đồng hành cùng học sinh cả chặng đường dài vì vậy với các bài học cần có những trải nghiệm, hành trình khám phá ngôn ngữ, về cuộc sông, con người và thiên nhiên,giúp các em cảm nhận học Tiếng Việt thật là vui. Thông qua việc thực hành đọc, viết, nói và nghe để sử dụng Tiếng Việt ngày càng linh hoạt hơn vì thế việc lựa chọn ngữ liệu và vô cùng cần xem xét.