TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng phương án hỗ trợ cho sinh viên bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Giáo dục - Ngày đăng : 17:21, 28/08/2021

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiêm vụ năm học 2021-2022, đại diện cho TP. HCM đã đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng phương án hỗ trợ cho sinh viên, nhất là những em chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
239624998_275674554389036_114622312284674474_n.jpg
Hình ảnh ghi nhận tại các điểm cầu. Ảnh TĐ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết: Do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm học mới tại TP. HCM không thể bắt đầu học bằng hình thức học trực tiếp, học sinh phổ thông sẽ học trực tuyến, học sinh mầm non sẽ bắt đầu và kết thúc năm học muộn hơn.

Năm học 2021-2022, khối Tiểu học sẽ dành 10 ngày đầu để tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng và phương pháp học trên internet đối với phụ huynh và học sinh. TP chỉ đạo các trường xây dưng năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp thực tế, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo để thực hiện dạy học trên môi trường học trực tuyến.

bach-khoa.jpg
TP. HCM đề nghị Bộ GDĐT xây dựng phương án hỗ trợ cho sinh viên bị ảnh hưởng bởi covid-19. Ảnh Ngô Chuyên.

Các địa phương kiểm soát vùng dịch tốt sẽ thực hiện dạy học trực tiếp khi có đủ điều kiện, tận dụng tối đa thời gian vàng học trực tiếp, nhất là đối với lớp 1,2; chỉ đạo tiêm vắc-xin đầy đủ cho giáo viên trước khi đi học trở lại, tiến hành tiêm vắc- xin cho học sinh trong độ tuổi phù hợp.

Bắt đầu năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh, TP. HCM đã xây dựng phương án. Tuy nhiên, thành phố gặp khó khăn trong công tác phát hành SGK, nhất là SGK cho lớp 1,2,6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Mặc dù đã nỗ lực nhưng đến nay mới có hơn 60% đầu sách được chuyển đến các trường. Thành phố đã chỉ đạo các địa phương phối hợp tìm biện pháp phân phối SGK đến học sinh sớm nhất có thể, tùy tình hình, tùy khu vực. Ngoài ra, đã phối hợp cung cấp SGK điện tử từ cấp 1, 2 trên internet và thông tin đến các phụ huynh để tạm sử dụng trong thời gian đầu.

Thành phố chỉ đạo các trường nắm thông tin của từng phụ huynh, hiểu rõ hoàn cảnh của từng học sinh để có giải pháp cụ thể hỗ trợ như kết nối mạnh thường quân hỗ trợ tài chính, trang thiết bị cho học sinh, gửi tài liệu học tập để học sinh tự ôn tập.

Chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với Đài truyền hình thành phố triển khai chương trình dạy học phát sóng ngay đầu tháng 9, nội dung chương trình, thời gian đầu năm học sẽ ưu tiên hướng dẫn trẻ tự học, hỗ trợ phụ huynh cùng học.

Tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều ngành sản xuất gặp khó khăn, để giảm gánh nặng cho phụ huynh, thành phố nghiên cứu chính sách miễn giảm học phí đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu.

Ông Đức cũng kiến nghị, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, việc học trực tuyến ko thể thay thế hoàn toàn dạy học trực tiếp, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét phương án cho kéo dài năm học để bảo đảm chất lượng, nhất là đối với lớp 1,2,3.

Đề nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp chỉ đạo xây dựng phương án hỗ trợ tài chính cho sinh viên, nhất là những em chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đại diện của TP. HCM cũng đề nghị Bộ Nội vụ bảo đảm biên chế cho giáo viên đối với các môn học mới theo chương trình GDPT mới như Tin học, Ngoại ngữ. Đề nghị nghiên cứu, sớm ban hành NĐ 86 cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Ngô Chuyên