Nam tiếp viên tạm cất đồng phục, khoác đồ bảo hộ xông pha phun khử khuẩn giữa các ổ dịch

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:45, 28/08/2021

Từ tháng 6 đến nay, hàng ngày Nguyễn Thái Hòa cùng đội khử khuẩn mang trên vai bình phun khử khuẩn nặng 40kg ngoài bộ đồ bảo hộ kín mít, len lỏi vào các tòa nhà, con hẻm có ca nhiễm/nghi nhiễm... để phun khử khuẩn diệt virus Covid-19.

Không ngại gian khó

Nguyễn Thái Hòa (1990, quê TP HCM), hiện đang là thành viên thuộc đội phun xịt khử khuẩn thuộc Thành đoàn TP HCM. Hơn 2 tháng qua, anh cùng đội đã miệt mài đi khử khuẩn miễn phí tại nhà của các trường hợp F0, những khu vực phong tỏa hay các khu vực nghỉ ngơi dã chiến của y bác sĩ...

anh-1.jpg

Nguyễn Thái Hòa hiện đang là thành viên thuộc đội phun xịt khử khuẩn thuộc Thành đoàn TP HCM

Bản thân là một tiếp viên hàng không, anh Hòa cho biết tham gia đội khử khuẩn ngay khi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn vì lịch bay tạm giãn. Công việc thiện nguyện đầu tiên của anh là phân bổ phần ăn dinh dưỡng cho các bệnh viện dã chiến. Nhanh chóng chỉ sau một tuần, nhờ sự nhanh nhẹn, tháo vát, cùng với sức khỏe dẻo dai, anh được chọn vào đội phun xịt khuẩn của thành đoàn thành phố và đảm nhận nhiệm vụ cho đến nay.

“Cả tuần chúng không nghỉ ngày nào, mỗi ngày 2 buổi. Sáng bắt đầu từ 8:00 cho đến khi kết thúc lộ trình các điểm phun khoảng 11:00, chúng tôi trở về trạm, khử khuẩn, cởi bỏ đồ bảo hộ, nghỉ trưa. Buổi chiều công việc sẽ bắt đầu lúc 13:45, kết thúc tầm 16:30, với một bộ đồ bảo hộ mới. Với số lượng ổ dịch mới ngày càng tăng, đội thường xuyên làm tăng cường tới đêm khuya”, anh Hòa chia sẻ.

Công việc chính của đội là nhận lịch phun, nhận xe (xe bán tải do các anh tài xế cũng là tình nguyện viên chở), châm dung dịch khử khuẩn mạnh từ can vào máy phun, chất tất cả lên thùng xe gọn gàng. Sau đó, tất cả các thành viên mặc đồ bảo hộ, leo lên thùng xe và di chuyển đến các khu vực cần được khử khuẩn khắp thành phố. 

anh-2.jpg

Tất cả các thành viên mặc đồ bảo hộ kỹ càng, trên vai đeo bình dung dịch nặng khoảng 40kg

Hòa kể, mỗi bình mà các thành viên đeo trên người chứa khoảng 25 lit dung dịch khử khuẩn, nặng khoảng 40kg. “Bình nặng như vậy nhưng chẳng ai kêu ca gì, kể cả các bạn nữ, cho dù nắng 39, 40 độ hay mưa tầm tã”, anh nói.

Tham gia đội phun khử khuẩn lưu động tại tâm dịch, không chỉ anh Hòa mà các thành viên khác thường xuyên phải vào các khu vực có ca F0 để khử trùng, vì vậy nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh là khá cao. “Dẫu biết nguy hiểm, nhưng ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai, nên tôi muốn góp sức nhỏ của mình để đẩy lùi dịch bệnh”, anh bộc bạch.

Vất vả là vậy, nhưng với anh Hòa, những tháng ngày vừa qua mang lại cho anh nhiều điều quý giá. Đó là những người bạn tuyệt vời, những trải nghiệm đáng nhớ.

Kỷ niệm khó quên

“Có lần tôi nhận nhiệm vụ đi phun khử khuẩn ở Quận 4. Tại đó, tôi chứng kiến một gia đình 3 thế hệ, ông bà, cha mẹ và các con cháu đều dương tính với Covid-19. Tất cả bước ra từ căn nhà cấp 4 xập xệ, dìu và ôm nhau đi ra xe cấp cứu để đến bệnh viện và khu cách ly tập trung. Hình ảnh con trai dìu mẹ già, người mẹ trẻ ôm em bé 2 tháng tuổi trong bộ đồ bảo hộ với lỉnh kỉnh hành lý… khiến tôi đứng xịt khuẩn cách họ chỉ vài bước chân mà mắt nhoè đi”, anh kể.

anh-3.jpg

Công việc chính của đội là khử khuẩn miễn phí tại nhà của các trường hợp F0, khu vực phong tỏa...

Một lần khó quên khác đó là lần đội của anh đến xịt khuẩn một khu trọ nghèo. Mặc dù biết trước đây là khu đặc biệt khó khăn, nhưng nếu không chứng kiến tận mắt, có lẽ anh và đồng đội cũng không thể tin vào sự thiếu thốn mà các cư dân phải xoay xở hàng ngày. Trong căn phòng lụp xụp vỏn vẹn 15m2 không cửa sổ, hai người phụ nữ đang ngồi chờ cơ quan chính quyền đến hỗ trợ. Người đàn ông duy nhất trong gia đình đã mất vì Covid-19 cách đây hai ngày.

“Tôi thực hiện nhiệm vụ xịt khuẩn mà lòng thắt lại, vì không nghĩ ở thành phố tôi đã sống hơn 30 năm vẫn còn những cảnh ngộ như thế này”, anh nhớ lại.

anh-5.jpg

Các thành viên trong đội ôm nhau giữa trời mưa 

Vì tính chất công việc vất vả, phải mặc đồ bảo hộ kín mít đi khắp thành phố trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều tình nguyện viên vốn khỏe mạnh cũng có lần đuối sức. 

Một lần, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến trở về, 2 bạn nữ thuộc đội anh đã kiệt sức và ngất xỉu vì sốc nhiệt, trong đó có 1 bạn lên cơn co giật. Theo phản xạ, anh nhanh chóng chạy tới sơ cứu và đưa đồng đội về trạng thái ổn định.

“Mọi trong đội ngạc nhiên hỏi tôi sao biết làm vậy, tôi cười bảo mình là tiếp viên Bamboo Airways, các kỹ năng sơ cấp cứu được huấn luyện và thực hành thuần thục rồi. Khi đó, tôi cảm thấy rất vui”, anh Hòa nhớ lại.

Chọn làm “cây táo nở hoa”

Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng với anh Hòa, công việc tình nguyện này cho anh sự dũng cảm, quyết tâm nhiều hơn là lo lắng. 

Về phần gia đình, anh bộc bạch, lúc đầu gia đình anh cũng khá lo lắng khi thấy anh tham gia vào công việc nguy hiểm này. 

“Tuy nhiên sau khi nghe tôi chia sẻ về quy trình làm việc rất nguyên tắc và cực kỳ cẩn trọng trong quá trình bảo hộ, cũng như thấy khoảng thời gian qua tôi vẫn khỏe mạnh và an toàn, nên gia đình tôi cũng hiểu và tạo điều kiện”, anh nói.

anh-4.jpg

Các thành viên của đội phun xịt khử khuẩn thuộc Thành đoàn TP HCM 

Hai tháng gắn kết với đội, anh trở nên lạc quan hơn, thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa hơn khi tham gia làm tình nguyện viên chống dịch Covid-19 ngay tại quê hương mình.

Sau khi TP HCM siết chặt hơn việc giãn cách xã hội, việc di chuyển của đội gặp nhiều khó khăn hơn, tuy nhiên không vì vậy mà đội anh nản lòng. “Cả đội chúng tôi vẫn đang cố gắng từng chút một, kiên nhẫn với chiến dịch, dù không được tạo nhiều điều kiện nhưng vẫn làm hết sức với cái tâm của mình”, anh nói. 

Anh kể thêm, trrong đội của anh, mỗi người một nghề: giáo viên, nhiếp ảnh gia, giám đốc công ty du lịch, sinh viên và anh – một tiếp viên hàng không. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng điểm chung là cùng mục tiêu đẩy lùi dịch Covid-19.

 “Khi tham gia vào nhiệm vụ này, tôi muốn đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình cho công tác chống dịch của cả nước. Nếu ai cũng ích kỷ chỉ nghĩ cho mình, thì sao cây táo vẫn nở hoa?”, anh kết lại.


Kim Oanh