Doanh nghiệp quyết tâm “giữ vững vùng xanh, hoá xanh vùng đỏ”

Kinh tế - Ngày đăng : 16:36, 26/08/2021

Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp hiện nay, không có sứ mệnh nào cao cả hơn việc giữ mạng sống con người, các doanh nghiệp phải giữ cho được "vùng xanh" nhà xưởng, đảm bảo an toàn cho người lao động. Vì thế, từ chính ý thức của từng cá nhân an toàn, từng điểm xanh mới tạo nên được "vùng xanh" cho sản xuất.

Nỗ lực giữ vững “vùng xanh doanh nghiệp”

Hiện nay, TP. Hà Nội đã có 615 điểm “vùng xanh doanh nghiệp” được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động, điển hình như liên đoàn lao động các quận: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng; huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai… Khi được phép hoạt động, doanh nghiệp cần phải lên phương án hoạt động đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và báo cáo với cơ quan quản lý thường xuyên về hoạt động phòng dịch của công ty.

Đồng thời, đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã có 4.306 doanh nghiệp thành lập tổ an toàn COVID-19 trong doanh nghiệp, với 11.469 tổ và 50.480 người tham gia (tăng 9 doanh nghiệp, 9 tổ và 39 người). Trong đó, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã thành lập 2.116 tổ an toàn COVID-19 tại 408 doanh nghiệp với 8.705 người tham gia. Ngoài ra, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất cũng thành lập 304 tổ an toàn COVID-19 tại 112 doanh nghiệp với 1.078 người tham gia ở các công đoàn cơ sở không trực thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở.

Để đảm bảo “vùng xanh doanh nghiệp”, Ông Hoàng Văn Tiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam trên địa bàn quận Hoàng Mai thông tin, mặc dù đơn hàng của công ty dồi dào, nhu cầu sản xuất lớn, song đặt tiêu chí sức khỏe người lao động và an toàn sản xuất lên hàng đầu, để thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19, công ty đã triển khai làm việc giãn cách, chia 3 ca độc lập, cách nhau 15 phút, không gặp nhau giờ giao ca, đi và về theo lối riêng.

1.jpeg

Công nhân vừa sản xuất, vừa đảm bảo giãn cách tại một doanh nghiệp.

Tất cả công nhân, nhà thầu, khách hàng khi đến công ty đều phải quét QR code, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, công ty thực hiện xét nghiệm trước khi nhân viên vào nhà máy và thực hiện xét nghiệm định kỳ theo phương pháp RT-PCR cho tất cả người lao động.

Ông Hoàng Văn Tiển cho biết, triển khai mô hình “vùng xanh doanh nghiệp”, công ty cũng đã giao cho Tổ An toàn COVID-19 của doanh nghiệp hướng dẫn, thực hiện, kiểm tra nội quy, kịp thời báo cáo tình hình hàng ngày cho doanh nghiệp và công đoàn cơ sở. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người lao động tuyệt đối tuân thủ 5K, thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” và phát khẩu trang cho người lao động trước mỗi ca làm việc.

Tương tự, Công ty Cổ phần Ximăng Sài Sơn có 350 người nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho công nhân viên, người lao động, công ty đã cho 80 người có liên quan đến các vùng dịch được nghỉ việc, số còn lại 270 người thực hiện ăn, nghỉ tại chỗ để làm việc. Chính vì cắt giảm số công nhân nên hiện tại công ty chỉ sản xuất được 2/3 sản lượng so với trước đó. Phương án “3 tại chỗ” này được công ty triển khai trước khi Ủy ban Nhân dân thành phố có chỉ thị giãn cách cho đến nay.

Hay tại Công đoàn Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Xuân Mai Hà Nội, đơn vị luôn chủ động, phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động làm việc. Toàn bộ chi nhánh có gần 400 công nhân lao động. Ngay khi có Chỉ thị giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bộ phận văn phòng được bố trí làm việc online tại nhà, 280 công nhân còn lại được bố trí làm việc tại công ty; riêng đội ngũ lái xe cam kết thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”...

Xanh hóa doanh nghiệp “vùng đỏ”, “vùng cam”

Với các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh, muốn mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp phải thực hiện bám sát theo tiêu chí, quy định của “vùng xanh”; đưa ra phương án cụ thể khi doanh nghiệp hoạt động trong “vùng xanh”, nhưng có người lao động trong “vùng vàng”, “vùng cam”. Doanh nghiệp trong “vùng vàng”, “vùng cam” nhưng người lao động ở “vùng xanh”, tuyệt đối đảm bảo quy định phòng, chống dịch và giữ vững “vùng xanh”.

Bà Lê Thị Kim Điệp - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm - nhận định, việc đóng cửa DN đơn giản nhưng để giữ được an toàn nhà xưởng, bảo vệ sinh mạng, miếng cơm manh áo cho người lao động, giữ được đơn hàng mới là điều phải tìm cách lúc này. Các DN phải giữ cho được “vùng xanh” nhà xưởng, bảo đảm an toàn cho người lao động. Trong đó, nhấn mạnh ý thức của từng cá nhân an toàn, từng điểm xanh mới tạo nên được vùng xanh cho sản xuất.

Để duy trì hiệu quả “vùng xanh doanh nghiệp”, Liên đoàn Lao động các quận, huyện yêu cầu, Công đoàn cơ sở phải có trách nhiệm giao cho “Tổ An toàn COVID-19” trong DN hướng dẫn, thực hiện, kiểm tra nội quy “vùng xanh doanh nghiệp”, kịp thời báo cáo tình hình hàng ngày cho DN và Công đoàn cơ sở.

2.png
Từ chính ý thức của từng cá nhân an toàn, từng “điểm xanh” mới tạo nên được “vùng xanh” cho sản xuất.

Mô hình xây dựng và bảo vệ “vùng xanh DN” hiện nay cũng đang được Liên đoàn Lao động các quận, huyện triển khai, nhân rộng trong các DN trên địa bàn, trong đó khuyến khích các đơn vị xây dựng những tiêu chí linh hoạt phù hợp đặc thù đơn vị theo từng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19 và quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, trong thời gian đang xây dựng “vùng xanh”, các địa phương tiến hành hướng dẫn cho các doanh nghiệp và thực hiện các bước thẩm định phương án phòng, chống dịch để các doanh nghiệp có thể hoạt động nhanh nhất khi địa phương được công nhận “vùng xanh”. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trở lại hoặc mở rộng quy mô không có phương án phòng, chống dịch, tuyệt đối không được phép hoạt động.

Trước khi phê duyệt phương án hoạt động của các doanh nghiệp, các địa phương phải đi thẩm định thực tế; tất cả phương án đều phải được thẩm định trước khi phê duyệt và thực hiện kiểm tra việc thực hiện phương án đối với các doanh nghiệp sau khi hoạt động lại.

Lãnh đạo các doanh nghiệp nhận định, “vùng xanh doanh nghiệp” mang lại sự an tâm cho người lao động và doanh nghiệp. Thông qua mô hình này, nhận thức của người lao động được nâng cao, có ý thức hơn trong việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch nhất là thực hiện nghiêm quy định “1 cung đường, 2 điểm đến”, chỉ đến công ty và đi về nhà, không tụ tập hoặc tham gia các hoạt động tập trung đông người, không cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và mọi người xung quanh.

Đặc biệt, việc thực hiện “vùng xanh doanh nghiệp” góp phần quan trọng tạo vành đai bảo vệ an toàn để giữ vững và ổn định sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập và thực hiện tốt các chế độ chính sách, phúc lợi cho người lao động.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trang Nhi