Lần đầu tiên Việt Nam mổ nội soi ghép sụn khớp nhân tạo thành công

Sức khỏe - Ngày đăng : 21:21, 23/08/2021

Phương pháp phẫu thuật nội soi ghép sụn khớp nhân tạo vừa được các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiến hành đã giúp sử dụng phần sụn khớp nhân tạo để bù cho phần khuyết, vỡ, bong, mất sụn.

Bệnh nhân V.Đ.S. (30 tuổi, Hưng Yên) đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng đau cổ chân bên phải do chấn thương thể thao cách đây 1 năm.

Tình trạng đau lặp đi lặp lại nhiều lần, anh S. đi lại tập tễnh và không có khả năng chạy nhanh hoặc chơi thể thao. Trên phim chụp X-quang phát hiện mảnh dị vật khớp cổ chân bị bong do sụn vỡ ra.

phauthuat-1.jpeg
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa phẫu thuật CT và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, thông thường, ở những người trẻ chơi thể thao, sụn vỡ ra tạo thành dị vật trong khớp khiến cho người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển, gây ra đau và hạn chế vận động.

Với trường hợp của anh S. trên phim MRI thấy có hình ảnh tổn thương ở xương sên. Từ các kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ đã chẩn đoán người bệnh có nhiều tổn thương phức tạp: Chấn thương khớp cổ chân; dị vật trong khớp và tổn thương sụn khớp.

Vì vậy, các chuyên gia đã lên phương án phẫu thuật nội soi lấy dị vật khớp cổ chân kết hợp với ghép sụn cho người bệnh.

phau-thua-2.jpeg
Dụng cụ chuyên biệt sử dụng trong phẫu thuật.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, phương pháp phẫu thuật nội soi ghép sụn khớp nhân tạo với vết mổ nhỏ, sử dụng ống kính nội soi 2,7mm và dụng cụ chuyên biệt cho khớp nhỏ giúp các bác sĩ dễ dàng lấy tổ chức viêm và xơ hóa ở trong khớp cổ chân.

Các bác sĩ đã lấy ra một mảnh sụn to 1x2cm trong khớp cổ chân người bệnh, sau đó làm sạch khớp cổ chân và bộc lộ được phần tổn thương mất sụn ở mặt trên xương sên ngay vị trí khớp với xương chày, phần chịu lực chính của khớp cổ chân.

Sau đó, các bác sĩ khoan kích thích để tạo những vi chấn thương với dụng cụ chuyên biệt, đảm bảo kích thước lý tưởng về chiều ngang cũng như độ sâu 1x9mm. Với kích thước này của dụng cụ giúp phần xương của người bệnh không bị tổn thương quá nhiều khi khoan và còn tạo điều kiện cho các tế bào xương phát triển.

Cùng với đó, các bác sĩ sẽ tạo các lỗ tương ứng trên vị trí khuyết sụn. Kích thước của phần khuyết sụn tương ứng với phần sụn nhân tạo dự đoán trước đó (2x2cm). Cấu trúc 3D của vật liệu sụn nhân tạo này giống như một khung đỡ giúp gắn kết với phần sụn người bệnh bị tổn thương cùng quá trình các bác sĩ tạo vi tổn thương, kích thích tế bào gốc trung mô ở trong tủy xương, bám vào khung đỡ tạo nên sụn khớp mới.

Ca phẫu thuật diễn ra trong hơn 30 phút. Bằng phương pháp ưu việt được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã giúp người bệnh được phẫu thuật nhanh chóng, mang lại kết quả phẫu thuật tốt.