Tiền mã hóa tại Việt Nam: Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Đời sống - Ngày đăng : 16:00, 23/08/2021
Tiềm năng thật, nhu cầu thật
Những năm gần đây, Việt Nam được nhắc tên trên bản đồ tiền mã hóa quốc tế nhiều hơn bao giờ hết.
Thống kê cho thấy, chỉ nhờ việc giao dịch đồng Bitcoin, các nhà đầu tư Việt Nam đã thu về tổng giá trị lợi nhuận lên đến 0.4 tỷ USD (Tương đương hơn 9000 tỷ đồng) chỉ tính riêng trong năm 2020, theo báo cáo của Chainalysis. Khảo sát mới đây của chuyên trang so sánh sản phẩm tài chính Finder tại 27 quốc gia trên thế giới cũng ghi nhận Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về mức độ phổ biến của việc tiếp cận tiền mã hóa.
Đỉnh điểm, giữa tháng 8 năm nay, dự án game NFT với đồng tiền mã hóa Axie Infinity (AXS) do người Việt sáng lập đã bất ngờ đạt giá trị vốn hóa hơn 4 tỷ USD, lọt top 50 tiền số có giá trị cao nhất thế giới.
Trên các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam, dễ dàng nhận thấy hàng trăm blog, website và các hội nhóm liên quan đến hướng dẫn đầu tư, thảo luận, giao dịch tiền mã hóa đang hoạt động sôi nổi mỗi ngày.
Bảng xếp hạng tỷ lệ dân số tham gia đầu tư tiền mã hóa của Finder (Ảnh: Finder.com)
Những con số trên đủ cho thấy nhu cầu rất lớn và có thật của thị trường tiền mã hóa tại Việt Nam. Xét riêng trên hai phương diện tốc độ tăng trưởng nhanh, dòng vốn chảy vào dự án mạnh mẽ, tiền mã hóa đã bỏ xa chứng khoán và các thị trường đầu tư chính thống khác.
Tiền mã hóa được ngày càng nhiều người ưa chuộng nhờ tính thanh khoản cao nhưng chi phí giao dịch thấp, những dịch vụ tài chính hấp dẫn, khả năng sinh lời trong khoảng thời gian ngắn, đồng thời cha đẻ của nó - Nền tảng công nghệ Blockchain được xem là tương lai của ngành tài chính thế giới.
Đầu tư dựa trên may rủi
Phản ứng trước tốc độ phát triển “thần tốc” của thị trường tiền mã hóa, thế giới phần nào cho thấy sự lúng túng trong việc tìm giải pháp quản lý và quy định, tuy vậy một số quốc gia đã có động thái ngày càng cởi mở hơn với loại hình tài chính này.
Ngày 09/06 vừa qua, El Salvador - Một quốc gia Trung Mỹ, đã thông qua “Luật Bitcoin” và trở thành đất nước đầu tiên công nhận Bitcoin là tiền pháp định. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Canada và các quốc gia EU tuy chưa chính thức công nhận Bitcoin nhưng đã thể hiện lập trường tích cực. Bằng chứng là phía Chính phủ các quốc gia này đã ban hành một số hướng dẫn về sử dụng Bitcoin, trong khi các tập đoàn hàng đầu chào đón việc khách hàng sử dụng Bitcoin để thanh toán.
Tại Việt Nam, tiền mã hóa mặc dù đã chứng minh được nhu cầu và tốc độ phát triển đầy tiềm năng, nhưng mới dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu. Hiện Nhà nước Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại tiền mã hóa nào là đơn vị thanh toán hợp pháp. Đồng thời, hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền mã hóa cũng chưa có đơn vị quản lý chính thức, chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hay văn bản hướng dẫn nào.
Trả lời truyền thông, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác không phải là đồng tiền pháp định, mà là loại tài sản được mã hóa, sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp. Đây không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép tiền điện tử thực hiện chức năng của đồng tiền pháp định tại Việt Nam.
Chính bởi không có hành lang bảo hộ, các hoạt động giao dịch tiền mã hóa tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện một cách tự phát, thông qua hai phương thức: trao đổi trên các sàn giao dịch quốc tế hoặc thỏa thuận trực tiếp trên các cộng đồng mạng xã hội (chợ đen).
Hệ quả là những nhà đầu tư “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường tiền mã hóa phải đối diện với không ít rủi ro, khi thiếu căn cứ pháp lý để xác thực tính minh bạch của một dự án. Đồng thời, họ cũng không được pháp luật bảo vệ nếu gặp rủi ro hay bị lừa đảo.
Anh Đỗ Đức Tiến (27 tuổi, Ba Đình - Hà Nội), một nhà đầu tư mới, đã không khỏi bối rối trong những ngày đầu tìm kiếm đồng coin và sàn giao dịch đáng tin cậy để đầu tư. Anh chia sẻ: “Trong suốt một tháng đầu, tôi phải tự lên mạng mày mò kiến thức, lùng sục khắp các diễn đàn và group cộng đồng về tiền mã hóa. Nhưng kết quả thu về không mấy khả quan. Nguồn thông tin tuy dồi dào nhưng chưa được kiểm chứng, lại còn gặp rất nhiều “cò” mời gọi sử dụng dịch vụ ủy thác đầu tư”.
Trường hợp của anh Tiến đại diện cho tình trạng chung của phần lớn nhà đầu tư Việt Nam: Chủ động tìm hiểu, chủ động lựa chọn, đôi khi thất bại và tự rút ra bài học cho mình. Sự thiếu vắng của những văn bản pháp lý dẫn đường đã vô tình đẩy các nhà đầu tư tiền mã hóa vào tình cảnh may rủi.
Dự án mới, lối đi hẹp
Thiếu cơ sở pháp lý, lại thêm tâm lý e ngại, nghi hoặc của các nhà đầu tư đã khiến những mô hình tiền mã hóa non trẻ, "sinh sau đẻ muộn" ở Việt Nam đều chật vật trên con đường tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng trong nước.
Trở lại với Axie Infinity, dự án game kết hợp tiền mã hóa được xây dựng trên Blockchain (NFT Gaming). Đây là một mô hình mới đang ở giai đoạn đầu phát triển, sử dụng phương thức kiếm tiền dựa vào việc người chơi vào sau mua lại thú cưng của người vào trước, với mỗi giao dịch như vậy, nhà phát triển của game sẽ nhận được 4,25% hoa hồng. Điều này khiến dự án này trong một thời gian dài bị công luận Việt Nam đồng loạt gắn mác “đa cấp, lừa đảo”.
Không thể kêu oan, Axie Infinity đã dùng thành tích để chứng minh, mạnh mẽ tạo nên một cú lội ngược dòng khi dự án liên tiếp xác lập nhiều kỷ lục: Trở thành dự án game Blockchain có doanh thu cao nhất thế giới; Trò chơi Axie Infinity cán mốc 1 triệu người chơi/ngày vào đầu tháng 8/2021; Đồng AXS lập đỉnh 72 USD, là “coin Việt” đầu tiên lọt top 50 CoinMarketCap; Thiết lập vốn hóa kỷ lục 4,4 tỷ USD tính đến ngày 20/08; Anh Nguyễn Thành Trung – Nhà sáng lập dự án trở thành tỷ phú công nghệ đầu tiên của Việt Nam khi mới 29 tuổi.
Chính từ đây, dự án đã mang về những khoản lợi nhuận lớn cho cộng đồng nhà đầu tư và gỡ bỏ hoàn toàn những cáo buộc “đa cấp” thiếu căn cứ.
Kiến trúc Axie Infinity (Ảnh: Axie Infinity)
Một trường hợp khác là mô hình tiền mã hóa với tên gọi BitcoinDeFi, có nguồn gốc từ Dubai (UAE). Vài tháng sau khi tiếp cận thị trường Việt Nam, BitcoinDeFi cũng đã gánh chịu không ít nghi hoặc, thậm chí là "gạch đá" từ dư luận do nguyên lý hoạt động có những điểm gây liên tưởng tới mô hình đa cấp đối với số đông.
Theo BitcoinDeFi Việt Nam, đơn vị được coi là đại diện được ủy quyền hợp pháp của BitcoinDeFi Global, quá trình khởi xướng một dự án tiền mã hóa tại Việt Nam gặp không ít khó khăn:
“Chúng tôi tự tin BitcoinDeFi là một dự án tiền mã hóa minh bạch, có xuất xứ pháp lý rõ ràng, lộ trình phát triển bám sát với kế hoạch được công bố từ đầu và đặc biệt, không thu giữ tài sản của cộng đồng tham gia. Nhưng khi vừa ra mắt tại Việt Nam, với những giới thiệu về cơ chế khuyến khích hấp dẫn, chúng tôi ngay lập tức bị cáo buộc là mô hình đa cấp, sau đó lại vướng phải hiểu lầm với một sàn ngoại hối tên Wolf Broker không hề liên quan.”
Đơn vị này cho biết thêm, “Chúng tôi hiểu rằng BitcoinDeFi đã bị nhầm lẫn nghiêm trọng với mô hình đa cấp do có sự tương đồng trong hình thức giới thiệu người tham gia nền tảng; tuy nhiên, việc giới thiệu người tham gia là bản chất cốt lõi của không ít mô hình tiền mã hóa trên thế giới, chứ không chỉ riêng chúng tôi.
Yếu tố quan trọng để phân biệt chính là hoạt động dòng tiền. Nếu các mô hình kinh doanh đa cấp Ponzi thu giữ phần lớn dòng tiền về túi riêng và chi trả ‘hoa hồng’ nhỏ giọt từ trên xuống dưới theo sơ đồ kim tự tháp; thì mô hình của BitcoinDeFi không thu giữ tiền của cộng đồng, mà luôn điều phối, luân chuyển một lượng rất lớn - đến 80% dòng tiền trong chính cộng đồng đó theo sơ đồ ngang hàng. Vì lẽ đó, dự án BitcoinDeFi không tồn tại mâu thuẫn lợi ích giữa Nhà phát triển và cộng đồng đầu tư như các mô hình đa cấp không lành mạnh.”
Đối với Wolf Broker, đây là một sàn giao dịch quyền chọn nhị phân không rõ nguồn gốc, có chung mô hình hoạt động với các sàn Wefinex, RaidenBO, Bitono, Pocinex, Deniex, AresBO, Binanex, Fxtradingmarket, Hitoption,... - những cái tên vừa được Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, cảnh báo là sàn giao dịch quyền chọn nhị phân có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại diện BitcoinDeFi Việt Nam cho biết: “Chúng tôi khẳng định BitcoinDeFi không nằm trong danh sách cảnh báo của Bộ công an, cũng như chưa hề bị cấm ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. BitcoinDeFi không phải sàn đa cấp nhị phân, mà là một đồng tiền mã hóa có trụ sở công ty mẹ tại Dubai Silicon Oasis (UAE), được cấp giấy phép phát hành dịch vụ công nghệ tài chính hợp lệ bởi chính quyền Dubai. Những ngày này, đội ngũ của BitcoinDeFi Việt Nam đã làm việc với luật sư để thực hiện thủ tục xin cấp các văn bản chứng minh tính lành mạnh và minh bạch trong hoạt động dòng tiền của dự án.”
Sự khác biệt trong hoạt động dòng tiền của mô hình đa cấp Ponzi và mô hình BitcoinDeFi (Ảnh: BitcoinDeFi Việt Nam)
Thời điểm hiện tại, khi tiền mã hóa chưa được Bộ Công thương cấp phép, thì những dự án non trẻ, chưa được thời gian kiểm chứng đã nhận về không ít định kiến và thiệt thòi.
Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm mô hình tiền mã hóa trong giai đoạn 2021-2023. Đây được xem là tín hiệu tốt cho thị trường tiền mã hóa tại Việt Nam. Tình hình thực tế đòi hỏi cần sớm có những đánh giá xứng đáng và hành lang pháp lý phù hợp, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, mặt khác tạo điều kiện cho những dự án tiền mã hóa mới, tiềm năng có cơ hội tự khẳng định mình và mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội.