Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM bác bỏ bảng công bố "vùng xanh", "vùng đỏ"
Đời sống - Ngày đăng : 18:22, 22/08/2021
Trước đó, từ tối 21/8 đến sáng 22/8, người dùng mạng xã hội đã chia sẻ một bảng phân "vùng xanh", "vùng vàng", "vùng cam" và "vùng đỏ".
Bảng phân vùng này chi tiết xuống tận các phường, xã, thị trấn ở các địa bàn có dịch như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Thông tin này được lan truyền nhanh chóng nhất là trong bối cảnh TP HCM tăng cường các biện pháp để thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, sự di chuyển của người dân kể từ 0 giờ ngày 23/8; trong đó người dân ở từng vùng sẽ được di chuyển theo quy định khác nhau.
Qua xác nhận, file excel này không phải do bất kỳ đơn vị nào lập ra, có nhiều điểm đáng ngờ, như việc phân chia các phường ở quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, dù trên thực tế Quốc hội đã có nghị quyết sáp nhập 3 quận nêu trên để thành lập TP Thủ Đức từ đầu năm 2021.
Trước thông tin phân vùng đang lan truyền, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, khẳng định, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM chưa công bố “vùng xanh, vùng đỏ” trên địa bàn.
Đến nay, TP.HCM cũng chưa công bố văn bản chính thức nào về việc phân "vùng xanh", "vùng đỏ", "vùng vàng", "vùng cam" để người dân biết.
Trước đó, trong cuộc họp báo vào chiều 21/8, thành phố cho biết sẽ lập tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn. Trong đó, các tổ sẽ tập trung tại các cùng có nguy cơ cao - “vùng cam” và vùng nguy cơ rất cao - “vùng đỏ” để kiểm tra, nhắc nhở, vận động người dân hạn chế việc đi lại; ngoài ra, lực lượng sẽ đi chợ thay người dân, thực hiện an sinh xã hộ
Theo thông tin mới nhất từ UBND TP.HCM, người dân sẽ được "đi chợ hộ", kể cả người dân ‘"vùng xanh".
Cụ thể, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ" do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, MTTQ, Tổ dân phố...), các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).