Ngành dệt may đề xuất đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để giữ ổn định sản xuất
Kinh tế - Ngày đăng : 12:55, 22/08/2021
Trong 6 tháng đầu năm, dệt may Việt Nam xuất khẩu 18,79 tỷ USD giá trị hàng hoá, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2019. Để có được sự phục hồi này là nhờ chính sách thúc đẩy thương mại, tìm kiếm thị trường của Chính phủ, Bộ Công Thương và cùng với đó là nỗ lực của cộng đồng DN trong ngành dệt may.
Nhưng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ngày càng diễn biến phức tạp, điểm nóng là tại các tỉnh, thành phố phía Nam thì thách thức với ngành dệt may trong những tháng cuối năm là rất lớn. Vitas dự báo, nếu hết tháng 8-2021 kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại khu vực phía Nam, thì kịch bản lạc quan nhất cho xuất khẩu cả năm 2021 đạt khoảng 32-33 tỷ USD, thấp hơn 6-7 tỷ USD so với mục tiêu 39-39,5 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm.
Cho dù DN có đơn hàng đã có đến hết quý III, thậm chí là hết năm nay, tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, điều này ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, nhà máy.
Ngoài ra, sự ổn định của lực lượng lao động cũng bị ảnh hưởng, nhất là khi dệt may là ngành có lực lượng lao động rất đông, có thể ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của các nhà máy, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, tiến độ giao hàng.
Có một thực tế rất lo ngại, ở thời điểm hiện tại, tỷ trọng các nhà máy của ngành phải đóng cửa đã lên tới 30-35% bởi các DN không có đủ tiềm lực để chi phí cho các vấn đề làm việc 3 tại chỗ.
Thêm nữa, là có thực trạng người lao động đang ào ạt rời khỏi khu vực phía Nam, cụ thể như rời khỏi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.... Vitas nhận định, khi người lao động về quê, nếu có quay lại, số lao động chỉ đạt được khoảng 60-65%. Tình trạng thiếu hụt nguồn lao động rất nghiêm trọng trong thời gian tới.
Thêm một thách thức lớn nữa là trọng tâm sản xuất của ngành dệt may Việt Nam là khu vực phía Nam, tỷ lệ tiêm vaccine của ngành dệt may của khu vực này nói riêng và toàn ngành dệt may rất thấp. Đối với tình hình hiện nay, nếu DN không được tiêm vaccine sẽ làm đứt gãy nguồn cung, đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành dệt may Việt Nam cho toàn cầu.
Áp lực giao hàng trong khi chuỗi cung ứng đứt gãy, là thách thức lớn với DN dệt may lúc này. Nếu không đáp ứng được thời gian giao hàng, khách hàng sẽ yêu cầu hủy đơn, ảnh hưởng kéo dài sang cả năm 2022. Không có đơn hàng, không thể sản xuất, DN không có doanh thu, người lao động không có việc làm. Việc bảo đảm đời sống an sinh cho người lao động sẽ là áp lực lớn cho nền kinh tế và xã hội.
Mới đây, 4 hiệp hội gồm Hiệp hội: Dệt may Việt Nam; Da-Giày-Túi xách Việt Nam; DN điện tử Việt Nam; Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ DN mua vaccine để tiêm cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức ngay việc đàm phán với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 theo đề xuất của 4 hiệp hội.
Trong bối cảnh hiện tại, điều cấp bách là Chính phủ cần đánh giá tình hình thực trạng các ngành công nghiệp, để có chính sách phân bổ vaccine phù hợp. Chính phủ cần đẩy nhanh giải pháp tiêm vaccine cho người lao động các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản... Bởi, các ngành này góp tỷ trọng xuất khẩu rất lớn. Các địa phương cũng cần quan tâm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động trong các nhà máy, các khu công nghiệp.