Ngăn chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi lao động
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:20, 21/08/2021
Thế nhưng, tại thời điểm này, nhiều DN lại đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn, nhất là lao động phổ thông làm việc trong các ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử...
Nghịch lý trên phát sinh từ cuối tháng 7-2021, khi hàng vạn lao động do mất việc, thiếu việc làm, cộng với tâm lý lo sợ dịch bệnh đã tự phát di chuyển ồ ạt ra khỏi các khu công nghiệp, khu chế xuất, xin nghỉ việc về quê.
Thiếu nhân công nghiêm trọng nhất đang diễn ra trong các DN dệt may với số lao động chỉ đáp ứng được 65-70% nhu cầu. Dù các đơn hàng từ khách hàng tấp nập đến tận cuối năm, nhưng nhiều DN “đứng ngồi không yên” vì không đủ nhân lực để hoàn thành hợp đồng đúng thời gian cam kết.
7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may đạt 18,6 tỷ USD (tăng 14,1%). Dự báo kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng này tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nếu các DN không thực hiện đúng cam kết các đơn hàng, ngành dệt may khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD của cả năm 2021.
Mặt khác, các DN còn đối mặt với nỗi lo dịch bệnh bủa vây, nguy cơ ngưng trệ sản xuất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Những doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí “3 tại chỗ” thì tỷ lệ lao động sử dụng cũng chỉ được 30-40%. Nên nhiều DN chỉ dám nhận số đơn hàng bằng khoảng 70% so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra căng thẳng tại các DN nằm trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội. Dịch bệnh tấn công vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, khiến một lượng lớn lao động đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly. Các DN vừa phòng dịch ở mức độ cao nhất, đảm bảo an toàn cho công nhân sản xuất, vừa phải điều phối lao động, tăng ca ở các dây chuyền sản xuất để đảm bảo tiến độ sản xuất, kinh doanh.
Nhu cầu lao động của các ngành nghề chế biến thủy sản, gia công sản phẩm khá lớn nhưng khó tuyển dụng vì sau 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm nay, nhiều DN sa thải, cắt giảm công nhân. Không có việc làm, nhiều lao động đành về quê, nhiều người không quay lại làm việc nữa.
Rõ ràng, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động vô cùng lớn. Sự dịch chuyển lao động một cách tự phát như trong thời gian qua làm “tê liệt” thị trường lao động phía Nam cho thấy khả năng chống chịu với dịch bệnh của người lao động cũng như DN rất hạn chế.
Trong bối cảnh, nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh phải cắt giảm lao động, thị trường lao động cũng sẽ ngày càng phức tạp, khó phục hồi.
Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường lao động đang tồn tại tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về phía cung lẫn cầu lao động. Các DN chỉ duy trì được sản xuất ổn định khi giữ chân được lực lượng lao động và bảo đảm an toàn sản xuất trong điều kiện giãn cách.
Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động. Trong đó, tạo điều kiện giúp các DN tổ chức lại sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”, “Vùng xanh sản xuất” và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% người lao động, để thực hiện mục tiêu kép “vừa sản xuất, vừa chống dịch”.
Cùng với đó là các giải pháp xóa bỏ các “điểm nghẽn” tạo ra sự ngưng trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy... để phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội.