2 trạm y tế lưu động hỗ trợ F0 đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động
Đời sống - Ngày đăng : 09:29, 21/08/2021
Sau 3 ngày có văn bản khẩn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về việc triển khai các Trạm y tế lưu động thì đến ngày 21/8 đã có 2 trạm y tế đầu tiên đi vào hoạt động tại Quận 3 và Quận 7.
Tại Quận 3, trạm y tế lưu động đặt ở Trung tâm văn hóa phường 11 (địa chỉ số 933 đường Hoàng Sa). Còn tại Quận 7, trạm được đặt tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu (số R6, đường Đặng Đại Độ, phường Tân Phong).
Hiện Sở Y tế sẽ cấp trước 20 túi thuốc cho mỗi trạm lưu động, sau đó sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới để phát cho F0. Túi thuốc gồm có các loại thuốc không kê toa và thuốc có chỉ định, nước súc miệng, dung dịch khử khuẩn và khẩu trang.
Ngoài ra còn có máy đo chỉ số oxy SpO2 tại nhà để F0 tự đo thường xuyên mỗi ngày, ác định được mức độ nguy hiểm và yêu cầu can thiệp kịp thời.
Trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn gửi UBND và Trung tâm y tế các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc triển khai các Trạm y tế lưu động.
Theo đó, nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong, trong khi chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết.
Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, TP Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập Trạm y tế lưu động và sớm triển khai mô hình các Trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn.
Địa điểm của Trạm y tế lưu động tùy theo số lượng người F0 của mỗi phường, xã, thị trấn đang quản lý, UBND phường, xã, thị trấn chọn các địa điểm để tham mưu cho UBND TP Thủ Đức và quận huyện thành lập các Trạm y tế lưu động.
Các địa phương có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân… để làm trụ sở hoạt động của Trạm y tế lưu động.
Chức năng của Trạm y tế lưu động là quản lý, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 và điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vaccine... dưới sự quản lý trực tiếp của Trung tâm y tế TP Thủ Đức và quận huyện; với sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Thủ Đức, quận huyện và Sở Y tế.
Dự kiến mỗi Trạm y tế lưu động sẽ quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 người F0; căn cứ tình hình số F0 tại mỗi quận huyện, TP Thủ Đức, Sở Y tế đề nghị mỗi quận huyện, TP Thủ Đức thành lập số Trạm y tế lưu động theo quy định.
Nhân lực mỗi Trạm y tế lưu động ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng từ Trạm y tế, Trung tâm y tế, cơ sở y tế tư nhân và nhân lực tăng cường của thành phố, Trung ương (khi thật sự cần thiết); 3-4 nhân sự khác (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ Thập đỏ, nhà thuốc tư nhân hoặc huy động người F0 đã khỏi bệnh, có nguyện vọng chăm sóc người F0) do UBND phường, xã, thị trấn đề xuất.
Tất cả nhân sự này đều phải được tập huấn những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0.
Về dụng cụ và trang thiết bị tối thiểu, mỗi trạm y tế lưu động có 2 bình oxy, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, test kit xét nghiệm nhanh và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác.
Trạm y tế lưu động có túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho người F0, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác.
Phương tiện vận chuyển cho nhân viên của trạm y tế lưu động khi khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người F0 là xe máy, xe taxi.