Doanh nghiệp xuất khẩu lao động Thanh Hóa thích ứng với đại dịch Covid-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 17:32, 19/08/2021

Đại dịch Covid-19 được ví như siêu bão quét qua toàn bộ thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang nhộn nhịp bỗng chuyển sang trạng thái ảm đạm kéo dài. Nhiều công ty, doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi XKLĐ buộc phải tìm cách ứng phó, vượt “bão” nếu không muốn bị đào thải.

Theo thống kê, Thanh Hóa có khoảng 4 triệu dân, trong đó có 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Số lao động trong khu kinh tế và các khu công nghiệp mới có khoảng 340 nghìn người. Sản xuất nông nghiệp ngày một kém hiệu quả, nhiều chính sách cho đồng bào ở khu vực miền núi còn bất cập (địa phương này có 7/61 huyện nghèo nhất cả nước). Việc người dân tỏa đi khắp các tỉnh thành trong cả nước (tập trung lớn nhất Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội) và cả ra nước ngoài để tìm kiếm việc làm là nhu cầu chính đáng. Trong khi đó, việc đào tạo nghề tại địa phương còn quá nhiều hạn chế, không phù hợp thực tế dẫn tới tỷ lệ lao động chân tay, lao động tự do khá lớn. Đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho các công ty XKLĐ khai thác. Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới và trong nước buộc các đơn vị XKLĐ phải thích ứng, tuân thủ luật chơi mới.

1(1).jpg

Học viên thi tuyển đi Nhật Bản tại Công ty Thuận An DMC

Một trong những đơn vị có uy tín trong lĩnh vực XKLĐ là Công ty CP Đầu tư Thuận An DMC (An Hưng, TP Thanh Hóa). Dù công ty từng đưa hàng nghìn lao động đi các nước nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty cũng phải tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, hình thức tuyển dụng và đào tạo. Chia sẻ với PV, Giám đốc công ty Lê Đình Toàn cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, đồng lòng của người dân thì dịch Covid-19 sớm muộn sẽ bị đẩy lùi. Chiến lược của công ty luôn trường kỳ, thử thách là điều không thể tránh khỏi trong quá trình hoạt động. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để công ty chuẩn bị nguồn nhân lực cho các thị trường, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Vì vậy, chúng tôi tăng cường công tác tuyển dụng, đào tạo, tạo nguồn để sẵn sàng đưa lao động xuất cảnh khi có cơ hội.

Đơn vị đã thay đổi cách thức tiếp cận, đào tạo, ứng dụng công nghệ như sử dụng mạng xã hội tuyên truyền, chạy online quảng cáo, tư vấn qua điện thoại. Vì đã triển khai việc phân luồng đào tạo nghề từ sớm nên công ty đã có cách tiếp cận nguồn nhân lực ngay từ cấp học sinh THCS. Cùng với nhà trường, công ty giới thiệu cho học sinh biết về cơ chế, chính sách, các thị trường lao động trên thế giới để có sự phối hợp.

2.png

Phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa

Với nhiều năm xây dựng uy tín và làm ăn với các đối tác nước ngoài, công ty đã kết nối tổ chức thi tuyển bằng đơn hàng qua online, người lao động có thể ngồi ở nhà để phỏng vấn trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng ở Nhật, Hàn, Đài, Malaixia.. Người lao động khi tới công ty sẽ được hỗ trợ tối đa chổ ăn, nghỉ, vốn, học tiếng… Năm 2020, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết các công ty XKLĐ lâm vào tình trạng trì trệ trong hoạt động tuyển dụng, đào tạo và đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Bốn tháng đầu năm 2021, sau đợt dịch thứ nhất và thứ 2 được kiểm soát, tình hình có khả quan hơn, công ty tuyển dụng được hơn 400 lao động, xuất cảnh được 160 lao động đi làm việc tại Đài Loan, số còn lại rất nhiều lao động đã làm visa, ngân hàng đã giải ngân, có lịch xuất cảnh nhưng do có thông báo của phía Đài Loan nên bị tạm hoãn hơn 3 tháng nay. Gần 200 lao động đã được đào tạo, trúng tuyển nhưng do dịch bệnh nên phải tạm dừng.

Thị trường Nhật Bản lâu nay là điểm đến hấp dẫn của lao động Việt Nam vì lương cao, sau khi kết thúc hợp đồng trang bị được nhiều kiến thức và cơ hội việc làm ổn định. Tuy nhiên, 2 năm qua do dịch bệnh nên gần như các hoạt động tuyển dụng và xuất cảnh bị tê liệt. Cả Chính phủ Nhật và cả Việt Nam đều đang rất cố gắng kiểm soát dịch bệnh để đưa các hoạt động trở về trạng thái bình thường, hoạt động tuyển chọn và đào tạo lao động cần được duy trì để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của đối tác trong tình hình mới. Do vậy, công ty Thuận An DMC vẫn duy trì tuyển dụng và đào tạo lao động cho thị trường Nhật.

Giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng, ngoài Đài Loan là thị trường truyền thống, công ty cố gắng trong 4 tháng cuối năm chỉ tuyển dụng và đào tạo khoảng 200 lao động cho thị trường Nhật Bản. Đến cuối năm 2021, khi tình hình dịch bệnh giảm đi, công ty sẽ cho lao động xuất cảnh để tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Tuân thủ luật chơi trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Công ty XKLĐ Thiên Ân – TAMAX Thanh Hóa đã đưa ra các phương án để khắc phục và vươn lên trong khó khăn. Trong đó, công ty ra quy định hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” đối với người lao động nếu ở lại trung tâm học tập... Mọi kênh liên lạc được thiết lập thông qua mạng xã hội. Người lao động sẽ được hỗ trợ vay vốn cho người lao động về tuyển dụng, đào tạo, đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp với các địa phương tuyên truyền, tuyển dụng lao động. Các thị trường đang mở cửa sẽ được ưu tiên trước, đàm phán với đối tác nước ngoài để tiêm vác xin, đảm bảo an toàn cho người lao động.

Theo báo cáo, năm 2020, ngành lao động – thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hoá đặt mục tiêu đưa trên 10.000 người đi XKLĐ, song do dịch Covid-19 nên chỉ đưa được 5.120 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 51,2% kế hoạch năm và bằng 49,7% so cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, tỉnh giảm mục tiêu xuống còn 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để đạt mục tiêu trên, ngành lao động – thương binh và xã hội đã vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực về các địa phương tuyển dụng lao động và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3.png

Công tác tư vấn hướng nghiệp được triển khai từ sớm ngay tại các trường học

Đồng thời tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động bị mất việc làm, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đảm bảo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm cho lao động, trong đó có XKLĐ. Với sự nỗ lực cố gắng vượt “bão” dịch của toàn ngành lao động cùng các công ty, doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi XKLĐ, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã đưa được 3.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55% mục tiêu kế hoạch, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tình hình dịch Covid-19 nhiều khả năng còn kéo dài, vì vậy, các đơn vị XKLĐ cần thay đổi linh hoạt, tăng sức đề kháng để thích ứng với cuộc chơi trong tình hình mới, góp phần tạo tâm thế tự tin, sáng tạo cho người lao động bước ra thế giới, mang ngoại tệ về cho gia đình, đất nước.

Thanh Phương