Từ năm 2022, cần bãi bỏ cơ chế đặc thù cho các cơ quan, đơn vị

Chính trị - Ngày đăng : 18:57, 17/08/2021

Chiều nay 17/8, UBTVQH xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.
202108171654130572_nd1_14.jpg

Mục tiêu tiết kiệm chi thường xuyên

Trình bày tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua hơn 4 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó, đặc biệt là kinh phí chi thường xuyên NSNN chủ yếu phân bổ theo tiêu chí biên chế, không gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, không thực sự khuyến khích việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm biên chế hành chính…; nhiều cơ chế chính sách mới được ban hành, đòi hỏi các tiêu chí, định mức cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đồng thời, theo Nghị quyết số 122/2020/QH14, thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 chỉ kéo dài hết năm 2021. Vì vậy cần thiết phải xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN mới để xác định tỷ lệ điều tiết giữa NSTW và NSĐP, xây dựng dự toán NSNN giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu của việc xây dựng tiêu chí, định mức là đảm bảo cho các bộ, cơ quan trung ương có đủ nguồn lực để thực hiện công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội. Đây là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội phương án dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022; xác định tỷ lệ phân chia ngân sách giữa trung ương và địa phương.

Với năm 2022, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên từ NSNN so với năm 2021, trừ các khoản các khoản lương và có tính chất lương, các khoản chi cho con người theo chế độ. Riêng với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, căn cứ quy định về cơ chế tài chính, đánh giá tình hình thực hiện dự toán 2021, yêu cầu phải tiết kiệm tối thiểu 15% chi thường xuyên ngoài lương và các khoản phụ cấp lương, chi cho con người. Năm 2022, NSNN không hỗ trợ với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ chú trọng một số yêu cầu, mục tiêu như: Xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên phải phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022 và định hướng cả giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch tài chính 5 năm (2021-2025);

Bảo đảm cơ cấu lại chi NSNN giai đoạn 2022-2025 gắn với nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả theo hướng: giảm mạnh tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên cơ sở sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, áp dụng cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện Đề án cải cách tiền lương, từng bước đổi mới phương thức quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên phải rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN.

Đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể, Ủy ban TCNS cho rằng: Chính phủ trình phương án định mức phân bổ cho các Bộ, cơ quan trung ương sẽ căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao.

Đa số ý kiến của Thường trực Uỷ ban TCNS nhất trí về chủ trương đổi mới phương pháp phân bổ ngân sách như Chính phủ trình. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, cách thức triển khai cụ thể chưa được làm rõ trong dự thảo của Chính phủ. Vì vậy, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ làm rõ.

Về cơ sở để phê duyệt, để thật sự triển khai phương thức phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn về phương pháp thực hiện với các định mức kinh tế - kỹ thuật cụ thể, chi tiết làm cơ sở xác định chi phí và có bộ tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra, bảo đảm việc phân bổ NSNN được công khai, minh bạch, công bằng.

Có ý kiến cho rằng, việc lượng hóa các chỉ tiêu kết quả thực hiện nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao là rất phức tạp, cần có sự nghiên cứu, đánh giá, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ trong những năm qua (bao gồm cả việc thực hiện thí điểm tại 5 Bộ, 5 địa phương giai đoạn 2003-2008). Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm thí điểm tại một số Bộ, cơ quan Trung ương. Trên cơ sở tổng kết, sẽ nghiên cứu áp dụng thống nhất đối với tất cả các Bộ, ngành, cơ quan Đảng và đoàn thể. Theo đó, đề nghị xác định rõ lộ trình thực hiện việc giao dự toán theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

202108171129105679_nd1_20.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp.

Cần bãi bỏ cơ chế đặc thù

Một số ý kiến đề nghị vẫn thực hiện việc xây dựng định mức phân bổ dựa trên tiêu chí số lượng biên chế theo nguyên tắc ưu tiên hệ số phân bổ cao hơn cho các cơ quan có số lượng biên chế thấp, có nhiệm vụ đặc thù để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Đối với các lĩnh vực sự nghiệp được NSNN bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí chi thường xuyên: Thường trực Uỷ ban TCNS cơ bản nhất trí và đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua và tính khả thi trong thời gian tới…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là nội dung thuộc thẩm quyền ban hành Nghị quyết của UBTVQH. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tính toán cụ thể nhu cầu, khả năng của từng địa phương, từng bộ, từng ngành và trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết về ngân sách, làm căn cứ cho việc xây dựng dự toán ngân sách của năm 2022 và cả giai đoạn 2022-2025.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH tập trung nghiên cứu kỹ về lĩnh vực này, gắn với tình hình thu, chi ngân sách, quyền và nghĩa vụ của các bộ, ngành, địa phương, mối quan hệ với ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong khung tổng thể về kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công của 5 năm đã được Quốc hội thông qua.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mặc dù có nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh phức tạp, song nếu quyết tâm sẽ làm được. Cùng với việc thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2022, các cơ chế đặc thù cho các cơ quan, đơn vị cũng cần phải bãi bỏ hết. “Dứt khoát không giữ lại bất kỳ cơ chế đặc thù cho cơ quan nào”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Về thời gian áp dụng tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là căn cứ để Chính phủ tính toán tỷ lệ điều tiết, ổn định ngân sách, nghĩa là phải đảm bảo tính liên tục. Nên chăng, để đảm bảo tính ổn định, liên tục, Chính phủ có thể đề xuất phương án cho thời gian từ năm 2022 đến 2026, thay vì 2022 – 2025, trình UBTVQH xem xét.

Mai Thoa