Làm rõ việc 5 cơ sở y tế tại Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu dẫn đến một người dân tử vong
Đời sống - Ngày đăng : 23:03, 16/08/2021
Công điện nêu rõ: Về thông tin báo chí phản ánh liên quan đến vụ việc 5 cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu dẫn đến một người dân tử vong, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế:
Chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc, trường hợp có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khẩn trương rà soát, chấn chỉnh ngay công tác tiếp nhận và cấp cứu đối với bệnh nhân; các trường hợp cấp cứu phải được tiếp nhận và xử lý kịp thời theo đúng quy định; đồng thời có các giải pháp cụ thể không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc và phải đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế, khám chữa bệnh của người dân.
Trước đó, theo phản ánh, từ 20h ngày 13/8, bệnh nhân 57 tuổi, quê huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh bị nôn ói; gia đình gọi xe cấp cứu không được đã nhờ người quen lấy xe tải chở ông tới các cơ sở y tế. Tuy nhiên, chạy lòng vòng 5 cơ sở y tế, trong đó có 3 bệnh viện và 2 phòng khám nhưng không được nơi nào tiếp nhận điều trị, cuối cùng phải trở về phòng trọ (tại phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) rồi tử vong.
Liên quan đến vụ việc, trước đó ngày 15/8, UBND thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, tìm hiểu thông tin gia đình nạn nhân.
Sau khi báo chí đăng tải sự việc, các cơ sở y tế cũng đã có thông tin giải thích.
Cụ thể, Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An cho rằng không nhận bệnh nhân khác do bệnh viện đang được sử dụng làm bệnh viện điều trị COVID-19.
Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng cho biết sau khi tiếp nhận bệnh nhân, test nhanh COVID-19 và biết bệnh nhân có tiền sử bệnh nặng (bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ), nên bác sĩ nói vượt quá khả năng của phòng khám và nói gia đình đưa nạn nhân tới bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện Quân đoàn 4 cho rằng khi đó vừa cấp cứu xong cho một ca F0 diễn biến nặng, vừa chuyển viện lên tuyến trên, chưa khử khuẩn xong nên "sợ lây nhiễm COVID-19 cho bệnh nhân", đã hướng dẫn người nhà đưa bệnh nhân tới bệnh viện khác.
Bệnh viện đa khoa An Phú giải thích lý do vì bệnh nhân quá đông, trong đó cũng có cả bệnh nhân COVID-19 nên vị đại diện bệnh viện "không biết” bệnh nhân vào giờ nào.
Phòng khám Nam Anh xác nhận người nhà bệnh nhân có chở bệnh nhân đến nhưng khi được bảo vệ trả lời bệnh nhân nặng thì phải đưa đi tới bệnh viện vì phòng khám không đủ khả năng.
Cuối cùng, sau một hồi đi lòng vòng quá bất lực, tới 1h sáng 14/8, người thân đưa bệnh nhân trở lại phòng trọ, ba tiếng sau thì bện nhân qua dời.