“Sức mạnh của tinh thần dân tộc sẽ là điểm tựa đưa đất nước vượt qua khó khăn”

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 07:33, 17/08/2021

Đó là thông điệp mà Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh muốn gửi gắm qua cuốn bút ký “Những người phất cờ hồng” vừa được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành đầu tháng 8 vừa qua.

Là một tác giả đã có nhiều tác phẩm đáng chú ý về đề tài chiến tranh, cách mạng, nữ nhà văn áo lính đã dành nhiều tâm huyết để tôn vinh những người con trung hiếu của dân tộc đã cống hiến, hi sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc qua nhiều thời kỳ cách mạng.

Phóng viên Báo Công lý đã gặp gỡ Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh giữa lúc chị đang tất bật với công tác thiện nguyện hỗ trợ cho người nghèo gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 ở cả hai đầu Nam - Bắc để nghe chị chia sẻ về tác phẩm mới ra mắt này.

thieu-ta-pham-van-anh-sach.jpg
Bìa cuốn bút ký “Những người phất cờ hồng”

PV: Tập bút ký “Những người phất cờ hồng” là 1 tác phẩm ý nghĩa, và ý nghĩa hơn nữa trong những ngày tháng này, kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc Khánh mùng 2/9. Trước hết Chị có thể chia sẻ cho độc giả biết “Những ngày phất cờ hồng” được lên ý tưởng thế nào?

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Cuốn bút ký này đã được tôi ấp ủ từ lâu song do nhiều lý do mà chưa hoàn thành được. Năm 2020, khi tham gia viết kịch bản cho chương trình truyền hình trực tiếp Sao Độc lập do Tạp chí Cộng sản và Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức, tôi đã có một đợt tìm hiểu, gặp gỡ hàng loạt những nhân chứng sống đã tham gia trong cao trào khởi nghĩa, giành chính quyền tháng 8 năm 1945 từ Bắc vào Nam. Các cụ đều đã bước vào tuổi trên 90, thậm chí nhiều người đã ở tuổi 104, 105…

Ngay sau đó, tôi bắt tay vào viết. Bởi tôi muốn nhanh chóng được tri ân và tôn vinh các bác qua những dòng văn của mình. Cuốn sách là tập hợp những bài bút ký chân dung về “những người con trung hiếu của dân tộc”. Có những người đã xuất hiện nhiều trên truyền thông, được cả nước biết tới, song cũng có những người câu chuyện, những nhân vật còn chưa được báo chí nhắc đến, nhưng cống hiến của họ cũng rất đáng trân trọng.

thieu-ta-pham-van-anh3.jpg
Tác giả đưa các bậc lão thành, nguyên là Đội viên Đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đi thăm Bảo tàng cách mạng

Đối với mỗi nhân vật của mình, trong quá trình xây dựng bài viết, tôi luôn chú trọng hai yếu tố lịch sử và cảm xúc. Ngay cả với những người đã vô cùng nổi danh, tôi cũng cố gắng khai thác những khía cạnh rất đời thường của họ, dành thời gian nghe tâm sự của họ về những vấn đề mang tính thời đại hay chỉ đơn giản là những suy tư cá nhân. Đi sâu hơn vào những tình tiết, câu chuyện chưa được báo chí nhắc đến.

Ở thể loại bút ký, cả tác giả lẫn nhân vật có “điều kiện”, có “đất” để giãi bày nhiều hơn, nêu quan điểm, cảm nhận cá nhân sâu hơn và có sự liên hệ, so sánh và gửi gắm nhiều quan điểm, tư tưởng hơn. Chính nhờ đó, tác phẩm cũng lắng đọng nhiều cảm xúc hơn là những bài báo phản ánh đơn thuần. Có thể nói, cuốn sách này, là một chút tấm lòng của tôi giành để tri ân và tôn vinh những cống hiến của các bậc lão thành cách mạng và để thế hệ trẻ có thể thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về truyền thống của cha anh.

PV: Đối với chị, khó khăn lớn nhất khi thực hiện tập bút ký này là việc tìm hiểu về lịch sử Cách mạng tháng 8 hay chọn lựa các nhân chứng?

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Cuốn sách này không chỉ nói riêng về Cách mạng Tháng Tám mà nó khá đa dạng về nhân vật và câu chuyện, là những người mà tôi đã gặp, những việc mà tôi được biết, được kể trong nhiều năm công tác khắp các vùng biên giới của mình. Qua cuốn sách, tôi mong muốn có thể phần nào tái hiện không chí cách mạng “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” như nhà văn Nguyễn Đình Thi từng viết. Từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh tới Hà Nội, Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Sài Gòn, Bạc Liêu… Rồi cả cuộc đời của những Mẹ Việt Nam anh hùng người dân tộc thiểu số đã hi sinh rất nhiều cho cách mạng. Hay câu chuyện về các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, hi sinh vè vang cũng được tôi cố gắng khai thác hết chất sử thi trong các câu chuyện được nghe về nhân vật.

thieu-ta-pham-van-anh2.jpg
Thăm cụ Đặng Văn Việt, người kéo cờ đỏ sao vàng ở kỳ đài kinh thành Huế

Tôi rất thấm thía với lời khuyên của của PGS.TS, nhà báo Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản về việc cần tìm hiểu sâu những câu chuyện, những nhân vật mà còn chưa được báo chí nhắc đến nhưng lại là những “điểm nhấn” quan trọng tạo nên cảm xúc cho người đọc nên đã có gắng gặp gỡ và lắng nghe rất kỹ những hồi ức của các đồng chí lão thành cách mạng.

Thực tế thì tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu về Cách mạng Tháng Tám mà chủ yếu là hơi mất thời gian để tiếp cận nhân vật, do suốt gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các đồng chí lão thành đều đã trên 90 tuổi nên ngại tiếp xúc.

Nhưng đúng là mọi thứ như duyên may. Dù bản thân tôi cũng rất bận do lực lượng Bộ đội Biên phòng căng mình ra chống dịch, nhưng có lẽ xuất phát từ việc làm một cái gì đó từ tâm nguyện, mong muốn được vinh danh các cụ lão thành đi trước nên mọi việc rồi lại “xuôi chèo mát mái”. Dịch bệnh ngớt là con cháu các cụ liên hệ lại nói các cụ đồng ý để gặp gỡ. Do điều kiện thời gian có hạn nên tôi rất tiếc khi phải gác lại một vài nhân vật mà tôi cũng rất tâm đắc. Song thuận lợi là những nhân vật trong cuốn sách của tôi đều là những người được sử sách ghi nhận với những vai trò hết sức quan trọng trong những giai đoạn cách mạng của đất nước hay từng địa phương cụ thể nên không khó để hiệu đính lại lời kể, ký ức của các bác cho chính xác hơn.

thieu-ta-pham-van-anh.jpg
Trò chuyện cùng Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khoá VI

PV: “Những người phất cờ hồng” với những nhân vật, nhân chứng lịch sử, những câu chuyện có giá trị lịch sử. Nếu để chọn 3 nhân vật đại diện cho 3 miền Bắc Trung Nam trong mùa thu cách mạng, chị sẽ chọn những nhân vật nào? Và vì sao?

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Để đảm bảo tính khoa học của thông tin lịch sử, tránh việc nhầm lẫn hoặc chiến công, thành tích của người này lại gán cho người khác, làm sai lệch các yếu tố lịch sử dù là nhỏ nhất, tôi đã dành khá nhiều thời gian để gặp các cụ, tìm hiểu lịch sử, gặp gỡ các sử gia và tìm đến các nhân chứng lịch sử để hiểu thêm về giai đoạn cách mạng đó và cũng là để xác nhận về vai trò, cống hiến và các tình tiết trong sự kiện mà nhân vật của mình tham gia. Chính vì thế, tôi sẽ chọn đại tá Hoàng Long Xuyên – người chỉ huy một mũi tấn công, giành chính quyền tại Lạng Sơn đại diện cho miền Bắc; cụ Đặng Văn Việt – người cắm cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài kinh thành Huế đại diện cho miền Trung và cụ Bảy Huệ - tham gia đại diện cho miền Nam. Họ là những người cộng sản chân chính, yêu nước, yêu dân tộc một cách vô cùng trong sáng và họ đã dấn thân, hinh sinh, cống hiến không hề toan tính trong suốt cuộc đời mình. Qua họ, tôi nhận được nhiều bài học lớn về đức hi sinh, sự nhẫn nhịn và nhất là sự khiêm cung, giản dị, không tự cho mình là công thần.

PV: Cuốn sách xuất bản thời điểm này là 1 hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám của thiếu tá nhà văn Phạm Vân Anh như sự chuyển tiếp “Cờ hồng tháng 8” cho thế hệ trẻ hôm nay. Bên cạnh đó, được biết chị đã chuyển toàn bộ số nhuận bút cho bạn bè miền nam để mua nhu yếu phẩm gửi tặng đồng bào miền nam? Thông điệp chị muốn chia sẻ là gì?

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Quá trình thực hiện cuốn sách là một điều rất đáng tự hào, bởi qua đó bản thân tôi đã được sống cùng lịch sử, đến gần để chiêm ngưỡng, để hiểu sâu sắc về tinh thần của người cộng sản và tinh thần của một “thế hệ vàng” người Việt Nam, những con người góp phần làm nên lịch sử. Chính vì thế, tôi quyết định dụng tâm để hoàn thành cuốn bút ký này vào để kịp tri ân các bác. Rất mừng là cuốn sách đã được Nhà xuất bản Quân đội cho ấn hành vào đúng những ngày thu tháng 8. Toàn bộ nhuận bút của cuốn sách tôi đã gửi nhờ bạn bè trong Thành phố Hồ Chí Minh mua lương thực, thực phẩm gửi tặng bà con miền Nam gặp khó khăn do dịch bệnh bùng phát.

thieu-ta-pham-van-anh4.jpg
Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh đi hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch

Thông qua cuốn sách này, tôi muốn nhấn mạnh là chỉ cần có tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và ý chí phấn đấu, chúng ta sẽ làm được nhiều điều lớn lao. Nhất là thời điểm ra sách là thời điểm cả nước đang căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 với một tinh thần quật cường và ấm áp nghĩa đồng bào. Chính vì thế, tôi tin rằng cuốn sách ít nhiều cũng sẽ được đón nhận và qua đó truyền được thông điệp về tinh thần Cách mạng Tháng Tám, tâm thế của người Việt trong Cách mạng Tháng Tám vào khí thế của đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

PV: Xin cảm ơn chị!

T.Thành