Thủ tướng: “Triệu trái tim, một ý chí”, nhất định sẽ sớm chiến thắng dịch COVID-19
Chính trị - Ngày đăng : 15:00, 14/08/2021
Ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương chủ trì cuộc họp của Hội đồng và phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Cùng tham dự cuộc họp có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng; các Ủy viên Hội đồng.
Thi đua yêu nước đã góp phần vào những thành quả chung của đất nước
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, biến chủng mới của virus lây lan nhanh, nguy hiểm hơn. Trong bối cảnh đó, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của đất nước, tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp đã kiện toàn các chức danh Nhà nước. Song song với đó, cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu kép…
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng chúng ta đã nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh tại nhiều nơi có ổ dịch lớn; nhiều tâm dịch được kiểm soát, trở lại cuộc sống bình thường. Đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều tấm lòng vàng trong thi đua phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội như mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, mô hình “ATM ô-xy”, “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”, “Suất cơm 0 đồng”, mô hình cách ly “3 lớp”, tháp nhiều tầng trong điều trị bệnh nhân; phương án thiết lập “vùng xanh” an toàn… Đặc biệt, miền Bắc đã và đang chi viện, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trên tinh thần đoàn kết, tự giác, tự nguyện. Tất cả vì miền Nam ruột thịt.
“Từ đầu năm đến nay có thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức lớn hơn thời cơ, thuận lợi. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã ý thức việc này để tổ chức phong trào thi đua tốt hơn ở các các cấp, các ngành”, Thủ tướng đã khái quát, nêu rõ và đánh giá cao, biểu dương tinh thần, trách nhiệm, đóng góp của các thành viên Hội đồng. Nhiều nơi đã làm tốt, kịp thời công tác thi đua – khen thưởng đột xuất, thực hiện kỷ luật nghiêm minh.
Thủ tướng nhấn mạnh, phong trào thi đua yêu nước đã góp phần vào những thành quả chung của đất nước. Nét chung toát lên là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, mỗi khi khó khăn, thách thức, tình hình phức tạp thì ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân được nâng lên, không chỉ đồng bào trong nước mà cả đồng bào ta ở nước ngoài. Cộng đồng quốc tế cũng đánh giá cao những thành quả đạt được và uy tín của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra một số vướng mắc, bất cập cần khắc phục như nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng ở một số nơi chưa đầy đủ; có nơi có lúc giải pháp chưa đầy đủ, chưa làm hết trách nhiệm của mình.
“Càng khó khăn thì càng phải thi đua”
Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa, khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua mạnh mẽ hơn theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” để có những thành quả mới; đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa.
Cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép một cách linh hoạt, hiệu quả, không máy móc, dựa trên diễn biến dịch bệnh để xác định thứ tự ưu tiên cho phù hợp. Trong lúc này, ưu tiên số 1 cho công tác chống dịch, phải kiềm chế, đẩy lùi được dịch bệnh thì mới có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn; khi dịch bệnh được kiềm chế thì lúc đó sẽ ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội. Những nơi đã kiểm soát được dịch thì phải ưu tiên cho sản xuất; sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.
Nhân dịp này, thực hiện Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ và hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19 ngày 29/7/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nỗ lực vượt khó, của dân tộc ta trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động Phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cơ quan, đoàn thể, các địa phương và đồng bào, chiến sĩ cả nước tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm, năng động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ, huy động các nguồn lực xã hội, động viên, khích lệ mọi người dân tự giác, tích cực tham gia phong trào phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Đồng thời, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, tạo nguồn lực để tập trung chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống của nhân dân, đặc biệt là người có công, người có hoàn cảnh khó khăn.
Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia chống dịch, thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ, đặc biệt khi thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, tăng cường “4 tại chỗ” và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho nhân dân.
Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung vào công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay nhưng không xem nhẹ các nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện “mục tiêu kép”. Các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Các bộ, ban, ngành ở Trung ương nỗ lực hết mình, bám sát tình hình thực tiễn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, có các giải pháp tổng thể, đồng bộ, linh hoạt, kịp thời trong phòng, chống dịch để đạt hiệu quả cao nhất.
Cấp ủy và chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; kiểm soát tốt tình hình, có các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó trong mọi tình huống.
Các lực lượng chống dịch tuyến đầu: cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an, nhà báo, đội tình nguyện… tiếp tục thi đua, thể hiện ý chí “chân cứng đá mềm”, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, tận tâm, tận lực phục vụ đồng bào; đồng thời bảo đảm an toàn chống dịch.
Các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần và sức mạnh, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; thi đua phòng, chống dịch, duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, chăm lo việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động.
Các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, thương nòi, “lá lành đùm lá rách”, “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; sẵn sàng hỗ trợ vượt qua khó khăn. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa con người Việt Nam, hành động có trách nhiệm vì bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, chấp hành tốt quy định của các cấp chính quyền, nhất là những nơi phong tỏa, cách ly, phải thực hiện nghiêm ngặt người cách ly với người, ai ở đâu thì ở đó để ngăn chặn nguồn lây, góp phần sớm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.
Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang thi đua đồng hành cùng các bộ, các ngành, các địa phương; làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch.
Các cơ quan thông tấn, báo chí thi đua làm tốt công tác tuyên truyền; thông tin khách quan, chính xác, kịp thời về tình hình và các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, tấm gương tiêu biểu với tinh thần “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; cổ vũ, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, tiếp thêm sức mạnh, truyền cảm hứng và niềm tin tất thắng vào “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đề cao vai trò, trách nhiệm, tất cả vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, phát hiện, khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”, càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”, tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “triệu trái tim, một ý chí”, sự ủng hộ, giúp đỡ của đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế, nhất định chúng ta sẽ sớm chiến thắng đại dịch COVID-19; để đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới và nhân dân có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng phát biểu.
5 nhiệm vụ chủ yếu Thủ tướng yêu cầu Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tập trung thực hiện
Một là, tổ chức phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và HĐND các cấp gắn với nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương cơ quan, đơn vị.
Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Những tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, tạo được sự lan tỏa trong xã hội với tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; lưu ý quan tâm các lực lượng ở tuyến đầu trong phòng chống dịch.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tổng kết, nhân rộng, các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, những gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, hội nhập; trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng bộ với thực hiện các quy định nêu gương.
Bốn là, tiếp tục tập trung xây dựng thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn.
Năm là, nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.