Tin vắn thế giới ngày 14/8: CDC Mỹ phê chuẩn tiêm liều bổ sung cho người suy giảm miễn dịch
Chuyển động - Ngày đăng : 08:09, 14/08/2021
Thủ tướng Anh triệu tập họp khẩn về tình hình Afghanistan
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson ngày 13/8 đã triệu tập cuộc họp khẩn về tình hình tại Afghanistan, trong bối cảnh lực lượng Taliban đã chiếm thêm nhiều thành phố lớn tại quốc gia Tây Nam Á này.
Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng cho biết cuộc họp có sự tham gia của Ủy ban khẩn cấp COBR để thảo luận về tình hình hiện nay tại Afghanistan sau khi Mỹ tiến hành rút số binh sĩ còn lại về nước.
Pháp hứa tiếp nhận lao động địa phương ở Afghanistan
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ "đặc biệt nỗ lực" để tiếp nhận những người Afghanistan bản địa làm việc cho nước này, hiện đang bị đe dọa trong bối cảnh lực lượng Taliban đang chiếm ưu thế trên chiến trường ở quốc gia Tây Nam Á này.
Trao đổi với AFP ngày 13/8, Tổng thống Macron khẳng định Paris sẽ nỗ lực tạo điều kiện để giúp các nhân vật thuộc xã hội dân sự Afghanistan có thể nhập cảnh vào Pháp.
Pháp, Bỉ kêu gọi công dân mau chóng rời Afghanistan
Ngày 13/8, Pháp và Bỉ đã kêu gọi công dân hai nước hiện đang ở Afghanistan mau chóng rời khỏi quốc gia Tây Nam Á để tránh rủi ro khi lực lượng Taliban đang tấn công và đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ của đất nước này.
Mỹ cảnh báo Taliban lên nắm quyền bằng bạo lực sẽ không được quốc tế công nhận
Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad ngày 13/8 cảnh báo Taliban rằng bất cứ chính phủ nào lên nắm quyền lực thông qua bạo lực ở Afghanistan sẽ không được quốc tế công nhận. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Taliban liên tiếp chiếm được nhiều thành phố quan trọng và đang áp sáp thủ đô Kabul.
Hà Lan khẩn trương đưa nhân viên ngoại giao rời khỏi Afghanistan
Ngày 13/8, Chính phủ Hà Lan cho biết nước này có thể sẽ đóng cửa Đại sứ quán ở Kabul và đang khẩn trương triển khai kế hoạch đưa một số nhân viên trở về nước, trong bối cảnh tình hình an ninh tại khu vực này có thể sụp đổ.
Pfizer, Moderna ước tính thu về hàng tỷ USD nhờ mũi tiêm bổ sung
Các nhà phân tích và đầu tư chăm sóc sức khỏe dự đoán hãng dược phẩm Pfizer, BioNTech và Moderna Inc có thể thu về hàng tỷ USD từ mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 bổ sung trong những năm tới, ngang với mức doanh thu 6 tỷ USD hằng năm từ việc bán vaccine cúm.
Mỹ thúc đẩy tiêm phòng COVID-19 nhờ vào người nổi tiếng trên mạng xã hội
Hiện ở Mỹ đang nở rộ phong trào cấp bang và cấp thành phố, dựa vào những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để tác động tới những người còn đang do dự nhất trong cộng đồng xung quanh họ. Giới chức y tế ở Chicago, Oklahoma, San Jose, California, New Jersey và nhiều nơi khác cũng đã triển khai các chiến dịch tương tự.
Giới chức y tế ước tính những người ảnh hưởng ở quy mô hẹp, chưa đến 10.000 - 100.000 người theo dõi, sẽ là nhóm có thể tác động tới những đối tượng thuộc thế hệ trẻ vốn có thói quen cập nhật tin tức trên mạng xã hội.
CDC Mỹ phê chuẩn tiêm liều bổ sung cho người suy giảm miễn dịch
Ngày 13/8, Tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ - đã phê chuẩn việc sử dụng liều tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho những người bị suy giảm miễn dịch.
Tiến sĩ Walensky nhấn mạnh khuyến nghị chính thức này của CDC, cùng với quyết định trước đó của FDA về sửa đổi giấy phép sử dụng vaccine khẩn cấp, là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tất cả người dân Mỹ, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất, có thể được bảo vệ tối đa từ việc tiêm phòng vaccine.
Canada yêu cầu nhân viên khu vực công tiêm chủng bắt buộc
Chính phủ Canada sẽ yêu cầu các nhân viên liên bang, lao động trong các ngành do liên bang quản lý và một số nhóm đối tượng khác phải tiêm chủng bắt buộc vaccine phòng COVID-19. Động thái này ghi dấu sự thay đổi quan điểm của Chính phủ liên bang Canada về yêu cầu tiêm vaccine.
Israel bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người từ 50 tuổi trở lên
Israel ngày 13/8 triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người từ 50 tuổi trở lên, trong nỗ lực kiểm soát tình trạng số ca nhiễm tăng trở lại do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Hàn Quốc ký hợp đồng mua thêm 30 triệu liều vaccine của Pfizer
Ngày 13/8, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum thông báo nước này đã ký hợp đồng mới mua 30 triệu liều vaccine của hãng Pfizer trong năm 2022.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, Giám đốc Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun-kyeong cho biết Pfizer sẽ bắt đầu bàn giao vaccine trong hợp đồng mới vào quý I/2022. Đến nay, Hàn Quốc đã nhận được 17,88 triệu liều trong tổng số 66 triều liều mà nước này đã đặt mua trước đó với hãng Pfizer.
Đức đưa Mỹ và một số nước vào danh sách nguy cơ cao
Truyền thông Đức đưa tin Chính phủ nước này đã đưa Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vào danh sách các quốc gia có nguy cơ cao về dịch COVID-19, theo đó yêu cầu những người chưa được tiêm chủng đến từ những nước trên phải tự cách ly tối thiểu 5 ngày khi tới Đức.
Nhiều vùng của Australia siết chặt đi lại với bang New South Wales
Một đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn ở thành phố Sydney – thủ phủ bang New South Wales - đã thúc đẩy các vùng của Australia và bang lân cận thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại chưa từng có.
Tại bang Queensland, Thủ hiến Annastacia Palaszczuk bày tỏ "rất lo ngại "về tình hình ở New South Wales và cảnh báo đang tăng cường thêm nhiều biện pháp siết chặt khu vực ranh giới.
Đan Mạch dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc
Chính phủ Đan Mạch ngày 13/8 thông báo người dân sẽ không còn phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng.
EU thử nghiệm công nghệ cao trong kiểm soát biên giới
Cơ quan kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu (EU) Frontex đang thử nghiệm một thiết bị giám sát công nghệ cao mới nhằm phát hiện các tàu chở người di cư.
Hành khách đến từ các quốc gia có nguy cơ cao phải cách ly trong 10 ngày trừ khi họ có thể xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19. Việc cách ly có thể kết thúc sớm nhất là sau 5 ngày nếu hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Nauy sẽ dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế
Chính phủ Nauy ngày 13/8 thông báo sẽ dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoeie cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch ở những khu vực tình hình dịch đã cải thiện, song sẽ duy trì các biện pháp này ở những khu vực cần thiết.
Tổng thống Mỹ cử phái viên đến Ethiopia
Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị cử đặc phái viên về vùng Sừng châu Phi tới Ethiopia trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ở Tigray.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết trên tài khoản mạng xã hội Twitter rằng Tổng thống Biden đã yêu cầu ông Jeffrey Feltman đến quốc gia Đông Phi này “vào một thời điểm quan trọng”.
AU điều tra dòng trạng thái chỉ trích Mỹ trên tài khoản Twitter
Ngày 13/8, Liên minh châu Phi (AU) cho biết đã mở một cuộc điều tra sau khi tài khoản Twitter của tổ chức này đăng lời chỉ trích Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power vì thúc giục đối thoại nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 9 tháng qua ở Ethiopia.
Trong một tuyên bố, AU cho biết bài đăng này là quan điểm cá nhân từ một nhân viên và điều này trái với quy tắc của nhân viên AU. Liên minh này tuyên bố: “Bài đăng đã bị xóa không phản ánh quan điểm của AU và được coi là một hành vi vi phạm nghiêm trọng. Sự việc đang được điều tra nội bộ".
Tăng cường hợp tác giữa lực lượng vũ trang Nga và Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng LB Nga, ông Sergei Shoigu ngày 13/8 nhấn mạnh tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang Nga và Trung Quốc trên bộ, trên không và trên biển là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa bộ quốc phòng hai nước.
Phát biểu tại cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, ông Shoigu lưu ý việc thường xuyên tiến hành các hoạt động huấn luyện tác chiến chung giữa LB Nga và Trung Quốc.
Pháp không tham dự hội nghị LHQ về chống phân biệt chủng tộc
Văn phòng Tổng thống Pháp ngày 13/8 cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không tham dự hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) về chống phân biệt chủng tộc, dự kiến diễn ra trong tháng 9 tới.
Hội nghị tiếp theo của LHQ về chống phân biệt chủng tộc dự kiến sẽ diễn ra tại New York (Mỹ), nhằm kỷ niệm 20 năm sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức tại Durban (Nam Phi) năm 2001 và thông qua "Tuyên bố Durban và Chương trình hành động" về chống phân biệt chủng tộc.
Chính phủ Venezuela và phe đối lập đối thoại tại Mexico
Ngày 13/8, đại diện Chính phủ Venezuela và phe đối lập đã khởi động vòng đàm phán mới tại Mexico trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.
Đây là lần đối thoại thứ 3 giữa Chính phủ Venezuela và phe đối lập. Những nỗ lực đối thoại trước đó ở Cộng hòa Dominicana năm 2018 và Barbados năm 2019 không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.