Đảm bảo hàng hoá cho người dân khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp
Kinh tế - Ngày đăng : 09:33, 13/08/2021
Giá thực phẩm tại chợ dân sinh tăng giá
Sau gần 3 tuần thực hiện giãn cách, giá thực phẩm tại Hà Nội có xu hướng tăng hơn so với trước. Theo khảo sát của phóng tại chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội), một số thực phẩm đã tăng giá, cụ thể, giá thịt lợn cách đây 3 tuần là 140.000 – 150.000 đồng/kg thịt ba chỉ, nhưng nay đã tăng lên 160.000 đồng/kg. Thịt bò trước khi giãn cách có giá 250.000 đồng/kg thịt thăn thì nay có giá 300.000 đồng/kg, dẻ sườn có giá 180.000 đồng/kg đã tăng lên 220.000 đồng/kg…
Tương tự, nhiều loại rau cũng tăng giá. Cụ thể, bí xanh trước đây khoảng 15.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg, cao điểm có lúc tăng lên tới 30.000 đồng/kg. Rau muống, rau dền, mùng tơi từ 10.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Huyền, tiểu thương bán tôm tươi tại chợ cho biết, giá tôm lên cao hơn so với thời điểm trước nhưng số lượng ít, có hôm chị không lấy được hàng để bán. Tôm nhỏ thời điểm trước có giá 140.000 đồng/kg đã tăng lên 20.000 đồng/kg, loại tôm nhỡ thì tăng lên 300.000 đồng/kg. “Nhiều khi lấy hàng về mà “ế” vì người dân chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác rẻ hơn”, chị Huyền cho hay.
Bà Lê Khanh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sau hơn 1 tuần mới đi chợ thì nay bà cũng khá “giật mình”, khi lấy 2 cọng tỏi tây, một ít cần tây và 1 củ hành tây thì được người bán tính giá 20.000 đồng. “Tôi hỏi cụ thể hơn thì người này tính từng loại, 5.000 đồng 2 cọng tỏi tây nhỏ, 7.000 đồng/ củ hành tây và 8.000 đồng cho độ 5 nhánh cần tây. Mức giá này cao hơn so với trước nhiều”, bà Khanh cho biết.
Cùng với đó, các loại cá, gà cũng tăng hơn so với trước, cá trắm cắt khúc to trước đây 70.000 – 80.000 đồng/kg thì nay đã 90.000 đồng/kg, gà ta nguyên lông trước dịch giá 120.000 đồng/kg thì nay tăng lên 130.000 đồng/kg.
Đặc biệt, tại các chợ dân sinh, trứng gà ta thường giá 3.500 đồng/quả nay tăng lên 5.000-6.000 đồng/quả.
Theo các tiểu thương, do dịch bệnh COVID-19, việc lấy hàng hiện nay rất khó khăn do phải có nhiều loại giấy tờ, thủ tục. Người bán hàng phải test COVID-19 cùng các chi phí bảo hộ, sát khuẩn… khiến giá thành hàng hóa tăng từ đầu mối chợ nông sản đến chợ bán lẻ.
Đảm bảo thực phẩm, hàng hóa cho người dân
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong những ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc cung ứng hàng hóa cho người dân gặp một số khó khăn do vướng mắc trong khâu lưu thông phân phối hàng hóa, đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán hàng, tại một vài địa phương nhất là tại 19 tỉnh thành phía Nam.
Do tâm lý lo sợ dịch bệnh COVID-19, tại thị trường trong nước vẫn có hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm, nhất là khi các địa phương bắt đầu công bố việc thực hiện Chỉ thị 16 dẫn tới chuyện gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng, tại một vài địa phương và chủ yếu nhu cầu tăng rất mạnh đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Nhưng theo ông Trần Duy Đông, sau đó, hiện tượng này đã nhanh chóng được xử lý, thị trường ổn định và sức mua cũng dần trở lại như những ngày bình thường. Giá cả hàng hóa thực phẩm tuy có biến động tăng tại các chợ trong giai đoạn đầu khi cầu tăng mạnh, nhưng sau đó cũng đã quay trở lại bình thường.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, một trong những vấn đề cấp thiết quan trọng là làm sao đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, nhất là trong những trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã có phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống.
“Mặc dù trước đó trong toàn ngành và các hệ thống phân phối lớn đã có các phương án chuẩn bị cho 5 cấp độ của dịch bệnh, nhưng Bộ Công Thương thường xuyên trao đổi với Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp phân phối lớn trên cả nước để rà soát, cập nhật các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu theo sát diễn biến của dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, trong đó, chú trọng vào mặt hàng lương thực thực phẩm và các mặt hàng có nhu cầu cao trước diễn biến mới của dịch COVID-19”, ông Trần Duy Đông cho hay.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ đã đề nghị các hệ thống phân phối lớn có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang và căn cứ vào điều kiện cụ thể nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển hàng khi có yêu cầu và kịp thời cho khu vực bị cách ly.
Đồng thời, Bộ cũng hướng dẫn tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm như chợ, điểm bán hàng của các doanh nghiệp phân phối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, nhằm vừa đảm bảo cung ứng thường xuyên liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
"Các phương án bảo đảm nguồn cung của các địa phương và phương án tổng thể của Bộ Công Thương sẽ luôn được cập nhật để góp phần bảo đảm sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho các địa phương khi cần thiết", ôngTrần Duy Đông cho hay.