Ngành y tế: Nỗ lực, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:27, 13/08/2021
Ý thức của người dân phải được đặt lên hàng đầu
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid còn diễn biến phức tạp, khó dự báo đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống - xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh vắc xin còn hạn chế, trước mắt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân. Trong đó, ngành y tế chính là lực lượng tuyến đầu nòng cốt trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Trách nhiệm tuyến đầu được đặt lên vai các y bác sĩ, nhưng bên cạnh đó ý thức của người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; về việc thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế, các chỉ thị của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh phải là trước tiên để tránh dẫn đến sự lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng. “Khả năng tác động, bùng phát của dịch bệnh đã có thể lớn hơn nhiều lần nữa nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống mạnh mẽ, quyết liệt như trong thời gian qua” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Lời nói của Bộ trưởng là tín hiệu vui trong công tác phòng, chống dịch vì chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nhờ các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt. Nhưng cũng đặt ra ở đây là câu hỏi về ý thức của người dân, vẫn còn rất lơ là, chủ quan và trong Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 cũng thẳng thắn thừa nhận: “Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở nhiều nơi còn chưa được quán triệt, chưa đúng, chưa đầy đủ trách nhiệm, còn bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới lúng túng khi tình hình, diễn biến dịch thay đổi. Việc quản lí, kiểm soát người ra vào vùng có dịch chưa chặt chẽ, nhiều nơi còn buông lỏng chủ quản. Bên cạnh đó, một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm của biến chủng mới Delta và chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh”.
Mới đây nhất, trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, dịch Covid-19 với biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và làm gia tăng tử vong tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Đông Nam Á. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống dịch trước sự lây lan của biến chủng Delta. Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này có tốc độ lây lan nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước tới nay và tiếp tục diễn biến khó lường.
Tình hình thực tế, dịch bệnh lây lan trong cộng động ở nhiều khu vực trên cả nước với số ca mắc khá cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Một phần trách nhiệm đó thuộc về ý thức của người dân khi chấp hành các khuyến cáo trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 là chưa cao. Nhiều trường hợp không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh của từng địa phương, ra ngoài đường không có lý do đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang sai quy định theo hình thức “gọi là có”.
Nhìn những hình ảnh, đọc các thông tin về các lực lượng tuyến đầu đang căng mình để đối đầu với dịch bệnh Covid-19, thử hỏi chúng ta có thấy “chạnh lòng”? Không phải chỉ khi người thân của chúng ta bị bệnh lúc đó mới bắt đầu thấy xót xa. Mỗi người trong chúng ta hãy là những bác sĩ trong việc chăm lo sức khỏe cho chính mình, gia đình mình, cộng đồng mình, cùng với ngành y tế nói riêng, cả nước nói chung cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh để xã hội nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới.
Nhất định sẽ đẩy lùi dịch bệnh Covid-19
Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch liên tục được Bộ y tế khuyến cáo tới người dân. Bám sát diễn biến dịch trong nước và trên thế giới. Cập nhật các giải pháp tiến độ trong phòng, chống dịch và điều trị để kịp thời ban hành hoặc đề xuất ban hành các văn bản điều chỉnh, quy định, hướng dẫn. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng phải nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, dám nghĩ, dàm làm và vận dụng sáng tạo.
Bộ Y tế cập nhật bổ sung, hướng dẫn và kịp thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét nghiệm, bảo đảm khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh lạm dụng, lãng phí. Hướng dẫn, khuyến nghị, khuyến cáo về các thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm để các địa phương chủ động mua sắm. Các địa phương có nhiệm vụ xét nghiệm thần tốc các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn, nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay. Phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm nỗ lực của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước và thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, căn cứ vào mức độ, nguy cơ, diễn biến dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc. Bộ Y tế kết hợp với các bộ, ngành, địa phương huy động hệ thống y tế công lập và các nguồn lực xã hội để kịp thời phối hợp trong triển khai công tác dự phòng, điều trị, tiêm vắc xin, đầu tư cơ sở vật chất và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và theo đúng quy định.
“Trong hơn một năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Y tế đã cùng với các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước phòng, chống thành công nhiều đợt bùng phát dịch và hiện nay vẫn đang nỗ lực, quyết tâm để tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19, một đại dịch đầy thách thức, chưa từng có trong lịch sử và nhất định sẽ thành công” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.