Cánh cửa lớn cho nông sản Việt Nam sang thị trường châu Âu
Kinh tế - Ngày đăng : 16:18, 09/08/2021
Thương vụ Việt Nam tại BỈ và EU (kiêm nhiệm LUXEMBOURG) cho biết, người tiêu dùng EU đang quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam khi lợi thế EVFTA mang lại dần dần hiện rõ. Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại ổn định và quan trọng nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau thị trường Hoa Kỳ.
Theo Eurostat, trong năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt 34,053 tỷ Euro, giảm 1,7% so với năm 2019. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường EU đạt 8,3 tỷ Euro, giảm 25% so với năm 2019. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhiều cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa, thu nhập của người dân giảm nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm đáng kể.
Tuy vậy, cũng theo Eurostat, báo cáo trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 12,1 tỷ eur, tăng 9%, trong khi đó nhập khẩu từ thị trường EU đạt 3,4 tỷ, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Dẫu diễn biến dịch covid-19 phức tạp, song 4 tháng đầu năm 2021 xuất nhập khẩu Việt Nam với Eu đã tăng 13,1%.
Kết quả của hiệp định EVFTA đã giúp nhiều loại hàng hóa của hai bên được miễn giảm thuế theo lộ trình. Bên cạnh đó là sự nỗ lực không ngừng của các Thương vụ tại Châu Âu, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và đã vận động, kết nối để vận động chính sách có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt nam và tìm cách đưa các mặt hàng nông sản thâm nhập vào thị trường Châu Âu thông qua các nhà phân phối.
Năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh bởi các Công ty Việt Nam sau khi được hỗ trợ kết nối, giới thiệu với các công ty nhập khẩu. Việc phân phối quả vải tươi không chỉ trong hệ thống cửa hàng/siêu thị Châu Á mà đã chính thức thâm nhập vào các chuỗi siêu thị thực phẩm tại Châu Âu.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, để hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, trong nước, các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu liên kết chặt chẽ với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất theo hướng chứng nhận Global GAP, có biện pháp hỗ trợ cụ thể đối với nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký tham gia sản xuất theo hướng chứng nhận, phí chứng nhận vùng trồng; Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu khi vận chuyển lưu thông đảm bảo thông suốt, đẩy mạnh các khâu sơ chế, hun trùng, kiểm dịch, hỗ trợ phí kiểm tra trước khi xuất khẩu; lấy mẫu và gửi mẫu sang thị trường EU để kiểm tra theo yêu cầu của thị trường EU và các nhà nhập khẩu.
Để giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ sẽ triển khai thực hiện một số kế hoạch, cụ thể:
Phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập danh sách các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái cây, sản phẩm trái cây uy tín trên cả nước để kết nối với các DN nhập khẩu; Tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây và sản phẩm trái cây tại EU và kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ thúc đẩy và kết nối Công ty LTP tại Hà Lan với Công ty 3 cây tre Tiền Giang triển khai nhập khẩu khoảng 300-500 container dừa và sản phẩm dừa từ Việt Nam sang Hà Lan để phân phối sang thị trường EU.
Kết nối Tập đoàn Vinamit với Công ty MCE tại Hà Lan, hai bên đã thống nhất ký đối tác hợp tác nhập khẩu các sản phẩm mít, trái cây, rau củ chế biến sang EU. Hiện Vinammit đã hoàn thiện việc gửi mẫu sang Hà Lan, đồng thời, công ty MCE đã tiến hành việc làm với các cơ quan chức năng tại Hà Lan để hoàn thành việc kiểm tra các chỉ tiêu và gửi tới các siêu thị để chào hàng.
Thương vụ đang tiếp tục đôn đốc Công ty MCE làm việc với các doah nghiệp tại các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang thực hiện các hợp đồng chuyển tiếp các container thanh long và chanh leo sang thị trường Hà Lan để phân phối tại hệ thống siêu thị; Xúc tiến trao đổi với Công ty Natural tại Bỉ nhập khẩu các loại nông sản sản hữu cơ để phân phối cho mạng lưới 600 cửa hàng chuyên kinh doanh hữu cơ tại Bỉ, Luxembourg và các vùng phía Bắc của Pháp.
Trong thời gian tới, Thương vụ cũng sẽ tổ chức xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số đối với các mặt hàng nông sản. Dự kiến đề xuất hợp tác đưa Bỉ thành một điểm trung chuyển trong chuỗi thương mại điện tử của Việt Nam; Tổ chức tuần lễ ẩm thực Việt nam tại Bỉ vào tháng 9; Tọa đàm cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây của các địa phương để thúc đẩy xuất khẩu các loại trái cây sang EU.