Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu thăm hữu nghị chính thức Lào

Chính trị - Ngày đăng : 09:38, 09/08/2021

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch nước, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
chu-tich-nuoc-bat-dau-tham-hu-nghi-chinh-thuc-lao1.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại Sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane. Ảnh TTXVN

Sáng nay (9/8), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith.

Chuyến thăm diễn ra từ ngày 9-10/8.

Đây là chuyến thăm song phương nước ngoài chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch nước, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Chuyến thăm diễn ra sau hơn 1 tháng kể từ thời điểm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm hữu nghị chính thức nước ta.

Tháp tùng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân trong chuyến thăm lần này có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Cùng đi với Đoàn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Tham gia Đoàn còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc.

Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân trong chuyến thăm lần này còn có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, địa phương.

chu-tich-nuoc-bat-dau-tham-hu-nghi-chinh-thuc-lao.jpg
Lễ đón Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam tại Sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane. (Ảnh :TTXVN)

Theo chương trình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane; tiếp một số lãnh đạo cấp cao khác của Lào; thăm một số nguyên lãnh đạo cấp cao của Lào…

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Đại hội Đảng XI, Lào đón một nguyên thủ quốc gia nước ngoài tới thăm. Chuyến thăm diễn ra chỉ 6 tuần sau chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith.

Chuyến thăm góp phần quan trọng vào việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp và sự sinh động của quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai dân tộc Lào-Việt Nam, nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước ngày càng đơm hoa kết trái.

chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-tham-huu-nghi-chinh-thuc-lao.jpg
Toàn cảnh Nhà Quốc hội mới của Lào

Ngày 10/8, Việt Nam sẽ chính thức bàn giao cho Lào công trình Tòa nhà Quốc hội mới, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em. Theo chương trình dự kiến, Chủ tich nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu tại Phiên họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa IX của Lào; dự, phát biểu tại lễ khánh thành, trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào.

Trước đó chiều qua (8/8) tại thủ đô Vientiane diễn ra Lễ nghiệm thu hoàn thành Nhà Quốc hội mới của Lào, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

Đây là công trình do Bộ Xây dựng Việt Nam làm Chủ đầu tư, Binh đoàn 11 thuộc Bộ Quốc phòng là tổng thầu thi công.

Tại lễ nghiệm thu, chủ đầu tư, Ban thư ký Quốc hội Lào, đơn vị tiếp nhận và sử dụng dự án, tổng thầu, các đơn vị giám sát… đều nhất trí rằng sau gần 38 tháng thi công, Dự án Nhà Quốc hội mới của Lào đã hoàn thành thi công xây dựng theo đúng yêu cầu thiết kế, nhu cầu sử dụng, chất lượng, an toàn và đang được vận hành đầy đủ công năng, phục vụ tốt các yêu cầu hoạt động của Quốc hội Lào.

Đồng thời, đánh giá cao các đơn vị liên quan, đặc biệt là các Ban quản lý dự án, Chủ đầu đầu tư, tổng thầu… đã hết sức nỗ lực, đoàn kết cùng vượt mọi khó khăn để hoàn thành công trình với chất lượng tốt….

Được xây dựng trên nền nhà Quốc hội cũ tại Quảng trường Thatluang, trung tâm thủ đô Vientiane với tổng vốn đầu tư gần 112 triệu USD, công trình Nhà Quốc hội mới của Lào được xây dựng trên diện tích 7.000m2 gồm 1 tầng hầm, 5 tầng nổi.

Do tính chất đặc biệt của Công trình, Dự án có tới 2 ban chỉ đạo, 2 ban quản lý dự án, 2 tư vấn thiết kế và 2 tư vấn giám sát của Việt Nam và Lào-Nhật Bản. Đây là nơi diễn ra các kỳ họp của Quốc hội Lào và là nơi làm việc của Lãnh đạo Quốc hội, chuyên viên và cán bộ văn phòng Quốc hội.

Công trình cũng có nhiều không gian đa năng, linh hoạt phục vụ tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế, hội họp, đào tạo, tổ chức sự kiện và nghi lễ quan trọng của đất nước Lào.

Được lấy cảm hứng từ lá Quốc kỳ hiện tại, Tòa nhà Quốc hội Lào được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống, là sự chắt lọc những đường nét kiến trúc, các họa tiết trang trí dân gian, mái dốc… là sự kết hợp giữa các vật liệu xây dựng mới với các vật liệu truyền thống như mái ngói, gỗ tự nhiên, đá…. Vừa thể hiện những nét tương đồng với thị hiếu kiến trúc của người Lào, vừa thể hiện nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước Lào.

Tại lễ nghiệm thu, các bên cũng nhất trí đánh giá Dự án là minh chứng hiện hữu, thực tế và sinh động, góp phần tiếp tục xây đắp tình hữu nghị vĩ đại giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào; xứng đáng là món quà tặng ý nghĩa, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc.

Trọng Bằng