VDSC hạ dự báo GDP Việt Nam xuống 4,0%
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:10, 07/08/2021
Theo báo cáo, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 4,0% so với dự báo trước đó là 5,6% với các chỉ tiêu sản xuất, tiêu dùng và đầu tư đã được ước tính giảm.
Việc điều chỉnh dự báo của VDSC phản ánh tác động của các chính sách thắt chặt với nhiều hoạt động trong nước, năng lực sản xuất cũng như ảnh hưởng của việc nâng cao các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19.
VDSC cho rằng, dịch bệnh đang tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế, đặc biệt là khu vực sản xuất, chế biến - khu vực đóng góp tới hơn 70% GDP quốc gia. VDSC ước tính ít nhất 70% doanh nghiệp sản xuất ở miền Nam phải trì hoãn sản xuất ngay khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ngoài ra, do các công ty/doanh nghiệp buộc phải hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ" hay "1 cung đường 2 điểm dừng" và kiểm soát dịch chặt chẽ nên chịu chi phí vận hành rất lớn khiến hoạt động sản xuất bị giảm 40-50% công suất.
Bởi vậy, nếu phải tiếp tục áp dụng các biện pháp thắt chặt hoạt động sản xuất phòng chống dịch sau tháng 8, công ty VDSC có thể tiếp tục hạ dự báo xuống mức thấp hơn.
Theo đó, trong quý IV, nếu không có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, hoạt động kinh tế sẽ phục hồi ở mức thấp.
Thu nhập hộ gia đình và tiềm lực của doanh nghiệp tiếp tục bị bào mòn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tiến độ đầu tư công có thể không như mong muốn do các biện pháp kiểm soát COVID-19 được áp dụng và Chính phủ có thể cần sử dụng nguồn lực tài khóa cho mục tiêu phòng chống dịch.
Đồng thời, VDSC cũng đưa ra dự báo cho năm 2020. Khi 70% dân số hoàn thành việc tiêm chủng, điều này cho phép hầu hết các ngành kinh tế mở cửa trở lại, việc lưu thông giữa các tỉnh được tiếp tục và nới lỏng hơn đối với các hoạt động xã hội. Vì vậy, GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 6,5% vào năm 2022, với sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và chi tiêu tiêu dùng cá nhân.
Tuy nhiên, do khả năng các làn sóng Delta và các biến thể mới chưa biết bao giờ mới kết thúc đi kèm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ nên vào năm 2022, sự phục hồi sẽ còn khó khăn và tương đối chậm đối với một số lĩnh vực như du lịch, lữ hành và bán lẻ.