Hà Nội: Giãn cách người với người, ai ở đâu ở nguyên đó

Đời sống - Ngày đăng : 22:46, 06/08/2021

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, UBND TP Hà Nội yêu cầu triển khai hoạt động thực chất, chặt chẽ hơn: Giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, đồng thời, kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu ở nguyên đó".

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vacxin

Chiều 6/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì họp thông tin về việc công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi Hà Nội ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố đến 6h00 ngày 23/8/2021.

Thông tin tại buổi họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tính từ 27/4 đến nay, toàn Thành phố có 1.599 ca F0. Đặc biệt, từ 24/7, khi thực hiện giãn cách, Hà Nội ghi nhận hơn 900 ca, trong đó có hơn 500 ca ghi nhận trong cộng đồng. Hiện Thành phố đang điều trị 882 ca, luỹ tích 1.438 và đã khỏi bệnh 501 ca.

7509a81430dcc7829ecd-1-.jpg
Quang cảnh buổi họp.

Thời gian qua, được sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, Sở Y tế đã phối hợp cùng các sở, ban, ngành đã thực hiện tất cả các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch, tận dụng thời gian giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các ca F0 ngoài cộng đồng, cách ly triệt để các trường hợp liên quan, giãn cách nhanh nhất các ổ dịch, cố gắng không để lây lan rộng.

Dự báo tình hình dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, vẫn còn một số ổ dịch, những chùm ca bệnh và các ca ho, sốt ngoài cộng đồng. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các giải pháp dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố và phối hợp với các sở, ban, ngành. Trong đó sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ (người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết), thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-UBND. Tận dụng những ngày giãn cách xã hội, truy vết thần tốc các ca F0; trả kết quả xét nghiệm nhanh; rà soát tất cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở…; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng nhưng có trọng tâm tại các khu vực có nguy cơ cao; siết chặt công tác an toàn trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường trên địa bàn…

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin ngoài cộng đồng. Theo đó, hiện Thành phố đã tiếp nhận 1.635.500 liều vắc xin. Riêng chiều qua (5/8), đã tiếp nhận thêm 584.884 liều của Bộ Y tế. Thành phố đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin, chiếm hơn 10% dân số. Từ nay tới tuần sau, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân với 715 điểm tiêm cố định và lưu động như: Các bệnh viện, trường học, Nhà văn hóa… đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 17/CT-UBND của Thành phố.

Kích hoạt thêm các điểm bán hàng thiết yếu

Về tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan thông tin, khi thực hiện Chỉ thị 17 của UBND Thành phố, Sở Công thương đã chủ động các hệ thống phân phối để cung ứng hàng hoá gấp 3 lần thông thường, với 194 nghìn tỷ đồng cho việc dự trữ hàng hóa, các doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng ở các kho lưu trữ. Trong quá trình thực hiện, Thành phố thường xuyên có văn bản tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình lưu thông, vận chuyển.

Sở Công thương cũng đã phối hợp với các địa phương bố trí các điểm bán hàng lưu động phù hợp, vận động các đơn vị có những điểm bán hàng không thiết yếu chuyển sang bán hàng thiết yếu; tăng cường thương mại điện tử, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho các khu vực cách ly... Ngoài ra, Sở Công thương kích hoạt thêm 800 điểm bán hàng thiết yếu, đang phối hợp với Bưu điện Thành phố để mở thêm 472 điểm nữa và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên để mở thêm các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ nhân dân.

Với phương châm chủ động nguồn cung, Thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cơ cấu lại các vùng trồng, chuyển đổi trồng các loại rau ăn lá, rau ngắn ngày và chăn nuôi gia cầm để đáp ứng ngay nhu cầu tự cung tự cấp của nhân dân trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, ngoài 21 tỉnh, thành khu vực phía Bắc đang cung cấp cho thị trường Hà Nội, Sở Công thương đã phối hợp với một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, những tỉnh chưa có dịch để chủ động sẵn sàng thay thế nguồn cung cho các địa phương đang cung cấp cho Hà Nội nếu như có dịch.

“Khẳng định 1 lần nữa, trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17 của UBND Thành phố, việc cung ứng hàng hóa cho người dân đảm bảo đầy đủ, giá cả bình ổn, không để thiếu hàng, sốt hàng, không để người dân không mua sắm được hàng hóa thiết yếu”, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục rà duyệt các phương án, trình Thành phố ban hành kế hoạch về đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa cho người dân khi tình hình dịch có diễn biến phức tạp, phối hợp với Sở Giao thông vận tải huy động các phương tiện vận tải để sẵn sàng tham gia vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn. “Chúng tôi tin rằng, với tính chủ động của Hà Nội và sự triển khai đồng bộ của các sở, ngành như Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải thì việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân trên địa bàn sẽ tiếp tục được đảm bảo”, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Ai ở đâu ở nguyên đó

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố khẳng định: Cả hệ thống chính trị của Thành phố đã vào cuộc triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 17/CT-UBND của Thành phố; người dân đồng tình ủng hộ, do đó, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định trong phòng, chống dịch.

Tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội vẫn phức tạp, khó lường, số ca trong cộng đồng còn cao. Vì vậy, Thành phố đã ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 nhằm tiếp tục cách ly toàn xã hội thêm 15 ngày, đến 6h ngày 23/8/2021 trên phạm vi toàn Thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh, trong Công điện đã nêu rõ các nhóm vấn đề để tiếp tục thực hiện nghiêm phòng, chống dịch theo Chỉ thị 17/CT-UBND, trong đó, triển khai hoạt động thực chất, chặt chẽ hơn: Giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, đồng thời, kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu ở nguyên đó".

Đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch đồng thời nhấn mạnh, chỉ những người được phép, thực hiện nhiệm vụ trực cơ quan, nhiệm vụ cấp bách được đến nơi làm việc và gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Ông Chử Xuân Dũng cũng nêu, Công điện tiếp tục huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng.

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện các công việc xuyên suốt trong phòng, chống dịch, trong đó ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch trong thời gian ngắn nhất; xây dựng các phương án chuẩn bị cho công tác điều trị… Bên cạnh đó, Thành phố chủ động, duy trì bảo đảm cung ứng hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và có chỉ đạo cụ thể, cung cấp đầy đủ, không tăng giá hàng hóa…

Liên quan đến công tác an sinh xã hội, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, triển khai công tác trên theo Nghị Quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Thành phố cũng đã triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn không thuộc đối tượng của Nghị quyết 68/NQ-CP. Nhiều địa phương còn có cơ chế riêng đối với các đối tượng, hộ gia đình khó khăn… Ngoài ra, Thành phố cũng chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát nhóm đối tượng bị tác động, gặp khó khăn không thuộc các nhóm trong Nghị quyết 68/NQ-CP để hỗ trợ kịp thời…

Về công tác tiêm vắc xin, ông Chử Xuân Dũng cho biết, Thành phố đã chỉ đạo tiêm khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các đơn vị sử dụng phần mềm tiêm chủng và hướng dẫn người dân khai báo y tế trước nhằm tránh mất thời gian đi lại cũng như đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Phong Vân