Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 23/8

Đời sống - Ngày đăng : 16:35, 06/08/2021

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công điện về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP đến 6h ngày 23/8 để phòng chống COVID-19.

Theo công điện, trong 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố, với sự ủng hộ, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, sự đồng thuận tham gia các doanh nghiệp, tổ chức và người dân trên địa bàn, bước đầu Thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố và các địa phương trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tế.

Một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất chưa hiệu quả.

Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng đông người đi lại trên đường, tại các chợ, siêu thị, ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn khi chủng virus Delta có tốc độ lây nhiễm rất cao, nhanh và nguy hiểm.

ha-noi.jpg
Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 23/8

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm một số nội dung như sau:

Tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 06h giờ 00 ngày 23 tháng 8 năm 2021 trên phạm vi toàn Thành phố để phòng, chống dịch COVID-19.

Yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố; triển khai đảm bảo thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để đảm bảo hiệu quả, khống chế sự lây lan, kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội.

Đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh và quy định cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 17; bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác theo yêu cầu gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị và việc kiểm tra giám sát của chính quyền các cấp tại cơ sở.

Tại các khu vực không có dịch “vùng xanh”: Đề nghị mỗi người dân ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết cũng nên phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập “Chốt bảo vệ vùng xanh (vùng không có dịch)” do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên với sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra và phát huy được lực lượng quần chúng, Nhân dân trong giữ gìn an toàn cho khu dân cư.

Chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh.

Tại các khu vực có nguy cơ “vùng da cam” gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh,…:

Chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát qua việc tiếp nhận các ý kiến giám sát của Nhân dân trên địa bàn hoặc qua công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở.

Mỗi cán bộ, công chức, người lao động, người dân nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế bằng mã QR Code khi đến làm việc, lao động hoặc mua sắm.

Đối với khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “vùng đỏ”:

Chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ; chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trong khu vực và kiểm soát, khống chế trong thời gian ngắn nhất.

Người dân trong khu vực chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở.

Yêu cầu các đơn vị thực hiện truy vết, xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất.

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao nhất có thể cho điều trị, đảm bảo đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời các cơ sở thu dung, điều trị tháp nhiều tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý phân biệt những người nhiễm không có triệu chứng với những người có triệu chứng (bệnh nhân) để tổ chức quản lý, theo dõi, trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động nguồn lực y tế của các ngành và tư nhân.

Các đơn vị của Thành phố khẩn trương lập danh mục các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch và tổ chức mua sắm đảm bảo quy định, tiến độ và yêu cầu phòng chống dịch theo các mức độ, nguy cơ và tình hình dịch bệnh của Thành phố.

Rà soát và trưng dụng các khu nhà ở, cơ sở giáo dục, công trình xây dựng… đủ điều kiện để làm cơ sở thu dung người nhiễm COVID-19 (không triệu chứng) với công suất chuẩn bị 30.000 giường và tiếp tục rà soát để có thể nâng công suất lên 50.000 giường khi cần thiết.

Tổ chức tiêm vắc xin nhanh, an toàn, hiệu quả; sử dụng phần mềm tiêm chủng, hướng dẫn người dân chủ động chuẩn bị, khai các thông tin đầy đủ trước khi đi tiêm; hướng dẫn những trường hợp đã có hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, người không có bệnh nền, ký cam kết để giảm thời gian sàng lọc.

Tăng cường huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời kêu gọi mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chia sẻ, đồng hành, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hưởng ứng, tham gia phòng chống dịch vì sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng; huy động mọi nguồn lực của xã hội cho công tác phòng, chống dịch để sớm chiến thắng dịch bệnh, đảm bảo an toàn, bền vững cho Thủ đô, đất nước.

Đẩy mạnh và phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị cơ sở trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại từng tổ dân phố, khu dân cư,... Động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt và nhân rộng các mô hình, cách làm tốt, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Yêu cầu chính quyền các các cấp, các ngành chủ động các phương án tổ chức thực hiện để bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa của Thành phố, mất ổn định thị trường, thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đầu cơ găm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây hoang mang trong dư luận; đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe, tinh thần cho Nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn.

Duy Uyên