Thấy gì từ nguồn lực tư nhân góp sức chống dịch
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 14:51, 06/08/2021
Chuyện chưa kể của những người thi công Trung tâm Hồi sức tích cực trong tâm dịch
Nhớ lại những ngày căng mình thi công Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bắc Giang và Bắc Ninh – hai tâm dịch phức tạp bậc nhất miền Bắc hồi đầu tháng 6, anh Phạm Hoàng Tuấn – Trưởng Ban quản lý xây dựng Vùng Thủ đô (Tập đoàn Sun Group) vẫn còn nhớ rõ cảm xúc áp lực và căng thẳng khi nhận nhiệm vụ…
Dẫu đã có kinh nghiệm từ đợt thi công bệnh viện dã chiến (BVDC) tại Hải Dương, song anh Tuấn vẫn “toát mồ hôi” khi tìm kiếm công nhân và thu mua nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho 2 trung tâm này. “So với Bắc Giang, thi công ICU ở Bắc Ninh còn khó khăn hơn nhiều trong việc tìm kiếm nhân công. Ban quản lý dự án của tỉnh phải đưa ô tô đi đón từng công nhân về làm. Có khi đi 5-6 địa điểm, mỗi điểm chỉ mời được một người về làm. Các cửa hàng vật tư vật liệu xây dựng trong tỉnh cũng đóng cửa hết, chúng tôi buộc phải chuyển vật liệu từ Hà Nội về…”- anh Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, tìm được công nhân chưa đủ, làm sao để họ gạt qua nỗi sợ khi nguy cơ dịch bệnh xuất hiện khắp nơi, lại là một câu chuyện dài khác.“Khi làm ICU ở Bắc Giang, trước khi chúng tôi xuống thi công chỉ 12 tiếng đồng hồ, các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở khu nhà 3 tầng của Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang mới được chuyển đi chỗ khác. Tuy mặt bằng đã được phun khử khuẩn, song công nhân vẫn rất sợ, không dám vào làm việc. Chúng tôi vừa phải thuyết phục, vừa mặc quần áo bảo hộ, xung phong bước vào khu vực đó làm việc để tạo tâm lý an tâm cho công nhân…”- anh Tuấn nhớ lại.
Ngày nào cũng làm từ 6h sáng đến 12h đêm để đảm bảo tiến độ đặt ra (5 ngày với ICU Bắc Giang và 7 ngày với ICU Bắc Ninh), anh Tuấn cùng đội ngũ thi công đã kịp thời giúp hai tâm dịch tăng cường điều trị cho bệnh nhân nặng. Khoảnh khắc ICU đón những bệnh nhân đầu tiên vào điều trị, những người làm công trình như anh Tuấn vỡ òa hạnh phúc. “Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm nghĩa là bệnh tình rất nặng rồi. Lúc đấy, chúng tôi chỉ hỏi nhau là máy móc có trục trặc gì không? Và rồi cảm thấy như mình đã góp phần mang tới cơ hội được cứu sống cho bệnh nhân, sung sướng lắm”- anh Tuấn bày tỏ.
Chung tay chống dịch, đâu kể tư nhân, nhà nước
“Thời điểm nhận nhiệm vụ đón người từ vùng dịch trở về, trong tôi không còn sự phân định giữa "người tư nhân" hay "người nhà nước". Tôi nhận một nhiệm vụ mà đất nước giao cho mình, và lúc đó tôi chỉ còn là "người Việt Nam". Những cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Sun Group đang làm việc tại sân bay Vân Đồn hẳn cũng đã nghĩ như thế…”. Đó là chia sẻ tận đáy lòng của ông Phạm Ngọc Sáu – Giám đốc Sân bay quốc tế Vân Đồn khi nói về những chuyến bay đầu tiên giải cứu đồng bào từ vùng dịch về nước vào năm 2020.
Tính đến nay, sau gần 2 năm dịch bệnh tấn công nước ta, Sân bay Vân Đồn của Sun Group đã đón hơn 200 chuyến bay giải cứu, đưa hơn 40.000 người Việt hồi hương và chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc.
Đón các chuyến bay giải cứu hay thi công bệnh viện dã chiến (BVDC) hoặc trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng (ICU) xưa nay vốn không phải là nhiệm vụ dành cho các doanh nghiệp tư nhân như Sun Group. Song việc thực hiện những nhiệm vụ này với tiến độ và cả sự chuyên nghiệp ngoài mong đợi đã cho thấy vai trò đáng tự hào của khối kinh tế tư nhân trong giai đoạn dịch bệnh.
Danh sách Top 30 doanh nghiệp hào phóng trong đại dịch mà tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố đã cho thấy, kinh tế tư nhân đang dẫn dắt và đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động ủng hộ Chính phủ và các địa phương chống dịch. Trong đó, đứng đầu là Vingroup với 2.287 tỉ đồng, tiếp đó là Vạn Thịnh Phát (2000 tỷ đồng) và thứ 3 là Sun Group (510 tỷ đồng). Số liệu được tính đến ngày 24/6/2021. Thực tế, tính đến ngày 26/7/2021, con số đóng góp cho phòng chống dịch Covid-19 của Sun Group đã lên tới hơn 700 tỷ đồng.
Nhìn thẳng vào sự thật, các doanh nghiệp này có bị ảnh hưởng và khó khăn do dịch hay không? Có. Như với Sun Group, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các hoạt động kinh doanh gần như tê liệt. Nhưng từ đầu mùa dịch tới nay, cái tên Sun Group xuất hiện ở hầu hết các tâm dịch phức tạp trên cả nước, với nhiều hình thức hỗ trợ. Từ tiền mặt đến kit xét nghiệm, đồ bảo hộ, rồi xây dựng BVDC tại Đà Nẵng và Hải Dương, tài trợ và trực tiếp thi công các ICU tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Mới đây nhất, Sun Group đã tài trợ hệ thống trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19… cho Hà Tĩnh, Hưng Yên và đóng góp liên tục cho các Quỹ vắc-xin của Chính phủ cũng như các tỉnh thành.
Vậy nhưng, khi được hỏi điều gì khiến Sun Group đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác phòng chống Covid-19 hai năm qua như thế, câu trả lời của ông Đặng Minh Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn này chỉ đơn giản là: “Ở thời điểm này, hỗ trợ đất nước và các địa phương phòng chống dịch cũng là cách để doanh nghiệp tự cứu mình. Và với chúng tôi, được chung tay cùng đất nước trong cuộc chiến chống đại dịch là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào”.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Trên tuyến đầu phát triển kinh tế, từ năm 2017 đến nay, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế nước ta. Còn trên tuyến đầu chống dịch, mới đây, theo công bố của Bộ Tài chính, nguồn tiền để dành mua vắc-xin đã có khoảng 22.000 tỷ đồng. Hơn 8.000 tỷ đồng trong số đó là do người dân, doanh nghiệp đóng góp và nhiều nhất vẫn là khối doanh nghiệp tư nhân với những cái tên như Sun Group, Vingroup, Vạn Thịnh Phát… Những con số đó đủ để minh chứng cho vai trò “xung kích” của những doanh nghiệp “sếu đầu đàn”, trong cả sự phát triển cũng như hành trình vượt khó của đất nước ở giai đoạn dịch bệnh.