Đảm bảo lưu thông hàng hóa trong bối cảnh giãn cách xã hội
Kinh tế - Ngày đăng : 20:58, 05/08/2021
Mỗi nơi áp dụng một kiểu
Theo nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù có hướng dẫn của UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP khi sử dụng “luồng xanh” mã code QR để nhận diện xe ưu tiên khi chở hàng hóa thiết yếu đi các tỉnh và ra vào TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, tại mỗi chốt chặn ra, vào TP Hồ Chí Minh lại áp dụng một kiểu khác nhau khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa gặp khó.
Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lê Minh (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 29-7, công ty có 2 xe chở hàng (các loại hộp giấy ăn, khăn giấy, giấy vệ sinh) đến 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Tuy nhiên, khi quay trở lại TP Hồ Chí Minh (xe chạy rỗng) đoạn qua cầu Phú Cường (giáp danh tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh) thì bị các lực lượng chức năng ngăn lại và yêu cầu quay đầu xe và lưu thông hướng khác. Nguyên nhân do xe chạy rỗng không chở hàng thiết yếu dù tài xế xuất trình giấy tờ liên quan đến mặt hàng đi giao hàng (biên nhận, hóa đơn...) tại Bình Dương, Đồng Nai và tài xế đã có giấy xét nghiệm âm tính...
“Để thuận tiện cho tài xế khi chở hàng liên tỉnh, công ty đã đánh dấu những điểm lưu ý cho tài xế khi qua các chốt trạm cửa ngõ ra, vào TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mỗi chốt áp dụng kiểm tra với nội dung khác nhau, khiến các tài xế phải chạy lòng vòng tìm hướng khác vào TP Hồ Chí Minh nếu bị chốt cửa ngõ nào đó không cho qua. Chính vì mất thời gian tìm đường vào TP Hồ Chí Minh mà một số chuyến hàng bị giao chậm cho khách và công ty cũng bị khách hàng phàn nàn, thậm chí bị trừ tiền hàng vì giao hàng chậm” - anh Minh cho biết thêm.
Trong khi đó, đối với anh Hồ Tấn Phát, tài xế chuyên chở hàng từ thiện giữa các quận, huyện và TP Thủ Đức tại TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù trên xe đã dán mã QR code là xe được ưu tiên đi vào “luồng xanh” khi qua các chốt, trạm ra vào TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi đi vào TP Thủ Đức vẫn rất khó khăn.
Anh Phát cho biết, mới đây, anh có chuyến hàng từ thiện gồm 650kg rau, củ, quả cần chuyển vào một khu phong tỏa tại TP Thủ Đức để tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn. Xe anh Phát đi từ huyện Hóc Môn qua các quận nội thành đều khá thuận lợi và không bị yêu cầu dừng kiểm tra nhưng khi đến TP Thủ Đức thì xe bị chặn lại và buộc phải quay đầu, mặc dù tài xế cung cấp đầy đủ giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, xe có mã code QR xe chở thực phẩm thiết yếu...
“Vì vậy, tôi phải liên hệ với người nhận hàng ở TP Thủ Đức và hẹn nhau tại một điểm bên ngoài địa phận TP này. Sau đó, hàng hóa được chuyển sang xe máy mới có thể dễ dàng vận chuyển vào TP Thủ Đức” - anh Phát nói.
Ưu tiên sử dụng “luồng xanh”
Theo các nhà bán lẻ, hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh phải đáp ứng được mục tiêu đưa hàng thiết yếu đến tay người tiêu dùng, bảo đảm không lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, cách quản lý hiện nay đang làm cho việc đưa hàng hóa từ các tỉnh, TP đến tay người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh khó khăn và tăng thêm chi phí.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, việc giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng tới thời gian giao hàng, nhưng khó nhất vẫn là mỗi chốt kiểm soát áp dụng một kiểu kiểm tra càng khiến khâu vận chuyển hàng hóa khó khăn hơn và tăng chí phí cho hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng.
Chia sẻ về tình trạng này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh, TP vào TP Hồ Chí Minh vẫn vướng ở khâu kiểm tra tại các điểm chốt, trạm của các tỉnh, TP và các cửa ngõ ra, vào TP Hồ Chí Minh. Để giải quyết tình trạng này, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã làm việc với đại diện các tỉnh, TP chuyên cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP nhằm hỗ trợ các đơn vị vận chuyển liên tỉnh được cấp giấy chứng nhận ưu tiên “luồng xanh” dùng mã code QR dán trên xe.
Khi qua các trạm, các cơ quan chức năng chỉ cần quét mã QR là ra thông tin hàng hóa vận chuyển, doanh nghiệp... Khi có giấy chứng nhận ưu tiên đi “luồng xanh”, doanh nghiệp được lưu thông liên tỉnh và chỉ phải kiểm tra điểm đầu và điểm cuối trong hành trình vận chuyển hàng hóa đến TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, đơn vị đã có hướng dẫn cụ thể cho các xe vận tải đi và đến hoặc quá cảnh qua địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian kéo dài việc thực hiện Chỉ thị 16. Theo đó, các xe có giấy nhận diện (có mã QR) như xe tải nhẹ (khối lượng chuyên chở hàng hóa từ 2,5 tấn trở xuống) được đi lại 24/24 giờ.
Xe tải nặng (chuyên chở hàng hóa trên 2,5 tấn) được lưu thông từ 8 giờ đến 16 giờ và từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau theo lộ trình được cấp. Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu không kiểm tra đối với các xe vận tải hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm... đã được cấp giấy nhận diện có mã QR của ngành giao thông tại các chốt kiểm soát, tại cửa ngõ và trong phạm vi TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Lâm, đối với các xe vận tải có lộ trình quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh hoặc từ các tỉnh nằm ngoài 19 tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội có nhu cầu lưu thông vào TP Hồ Chí Minh, nếu giấy nhận diện (có mã QR) còn thời hạn thì được tiếp tục sử dụng để lưu thông qua TP Hồ Chí Minh theo lộ trình và thời gian đã được cấp.
Đối với các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP Hồ Chí Minh, các xe vận tải hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm; nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu... dù chưa được cấp giấy nhận diện phương tiện, nhưng người lái xe và người đi cùng trên xe đã có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 (còn giá trị trong vòng 72 giờ) thì lực lượng kiểm soát vẫn cho xe lưu thông qua chốt sau khi đã kiểm tra giấy xét nghiệm.