Người tâm thần và những vụ thảm sát kinh hoàng
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 17:53, 01/12/2016
Những vụ thảm sát kinh hoàng
Sáng nay (1/12) nhiều người dân thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) bàng hoàng bởi vụ thảm án kinh hoàng khiến 4 người tử vong. Nghi phạm gây án được xác định là Phù Minh Tuấn (SN 1984), đã xuống tay sát hại bố ruột là Phù Láo Tả (SN 1957), Tải Lở Mở (SN 1965, thím của Tuấn), Phù Văn Thịnh (SN 1993), Phù Thị Tuyết (SN 2014) và Phù Láo Sán (SN 1990, hiện đang cấp cứu tại bênh viện).
Ông Triệu Tài Phong – Bí thư huyện ủy Quang Bình (Hà Giang) cho biết, Tuấn có biểu hiện tâm thần trước thời điểm gây án. Tháng 1/2015, đối tượng đã chém chết con ruột và bị Công an bắt giữ. Tuy nhiên do anh ta có dấu hiệu bệnh tâm thần nên các cơ quan chức năng đưa Tuấn đi điều trị bắt buộc tại bệnh viện.
Nhiều người bàng hoàng sau thảm án ở Hà Giang sáng 1/12
Tháng 7/2016, đối tượng được bệnh viện kết luận đã khỏi bệnh nên cho xuất viện. Hằng ngày, đối tượng này biểu hiện bình thường. Thời điểm xảy ra vụ việc, vợ Tuấn đi làm xa, mẹ ruột anh ta cũng không có mặt ở nhà mà ở lán trại chăn nuôi. Hiện đối tượng Tuấn đã bị bắt giữ, cơ quan Cảnh sát điều tra đang khẩn trương khám nghiệm hiện trường để điều tra vụ án mạng kinh hoàng.
Trước đó, ngày 20/5, tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cũng xảy ra một vụ án gây xôn xao dư luận, vụ việc khiến một người tử vong. Hung thủ được xác định là con trai ruột của nạn nhân.
Khoảng 23h ngày 20/5, Hoàng Văn Nhật (SN 1989, trú tại xóm 11, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc) bất ngờ dùng dao đâm ông Hoàng Văn Châu (SN 1959, bố đẻ Nhật) tử vong rồi bỏ trốn.
Hoàng Văn Nhật (SN 1989), trong cơn điên loạn đã dùng dao đâm chết bố đẻ mình.
Nhật đã bị lực lượng Công an bắt giữ khoảng 1h sau đó, khi đang lẩn trốn tại Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc. Trước khi án mạng đau lòng xảy ra, Hoàng Văn Nhật vốn có tiền sử bị bệnh tâm thần và được gia đình đưa đi điều trị. Tuy nhiên, do thương con nên gia đình ông Châu đã đưa con về nhà và xảy ra sự việc đau lòng trên.
Cách đây không lâu, tại thôn Phước Trạch 2, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, một vụ án mạng đau lòng khác mà hung thủ cũng được cho là bị tâm thần đã dùng dao rựa chém liên tiếp khiến cha tử vong.
Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Phẩm (SN 1921, trú tại thôn Phước Trạch 2, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk), người gây ra cái chết cho ông Phẩm là con trai Nguyễn Văn Nhì.
Theo đó, ngày 21/9/2016, mọi người đang chuẩn bị đi ngủ bỗng nghe một tiếng la thất thanh phát ra từ nhà của Nguyễn Văn Nhì. Mọi người chạy qua xem thì thấy ông Phẩm đang nằm trên vũng máu trước hiện nhà, cháu Nguyễn Thị V. (SN 2011, con gái Nhì) đang ôm ông nội cầu cứu.
Lúc này, Nhì đang lăm lăm rựa trên tay đi lại ngoài sân. Biết Nhì lại nổi cơn động kinh nên mọi người không dám vào mà chỉ đứng ngoài khuyên nhủ Nhì đi vào nhà để đưa ông Phẩm đi cấp cứu, đồng thời gọi điện báo cho Công an xã.
Nhì là con út của gia đình, có vợ là Trần Thị Đinh (SN 1972) và có 3 con. Nhì bị bệnh tâm thần mấy năm nay, gia đình đã nhiều lần đưa đi bệnh viện để điều trị, sau đó bệnh tình thuyên giảm nên được cho về. Lần gần đây nhất là đầu tháng 9, gia đình đưa Nhì lên Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk để điều trị, nhưng được hơn nửa tháng thì Nhì trốn về rồi xảy ra vụ việc.
Cần quản lý người mắc bệnh tâm thần chặt chẽ hơn
Một bác sĩ chuyên khoa tâm thần tại Hà Nội cho biết, bệnh nhân tâm thần ở chung với người bình thường rõ ràng là rất nguy hiểm. Cũng theo vị bác sĩ này: "Các rối loạn tâm thần và hành vi là những vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng, phải phát hiện sớm và điều trị đặc thù, không chỉ bằng thuốc, các bác sỹ phải áp dụng cả những liệu pháp tâm lí đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân". Theo đó, để giảm thiểu tình trạng bệnh nhân tâm thần gây án cần phải quản lý thật chặt người bệnh.
Để giảm thiểu tình trạng bệnh nhân tâm thần gây án cần phải quản lý thật chặt người bệnh
Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần, áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nghĩa là việc chữa bệnh bắt buộc này chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Với người mắc bệnh tâm thần trong cộng đồng, chưa có quy định buộc phải điều trị để ngăn ngừa họ gây nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, cùng với đó cần có cơ sở lập kế hoạch phát triển nguồn lực, phát triển các dịch vụ y tế và bảo trợ xã hội, hướng tới xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, mạnh mẽ về sức khỏe tâm thần… Quan trọng là để giảm áp lực từ các bệnh về sức khỏe tâm thần, đòi hỏi sự phối hợp các biện pháp về y tế và xã hội, sự hợp tác của nhiều lĩnh vực, sự tham gia của các ngành liên quan.
Theo quy định tại khoản khoản 1, Điều 13, Bộ luật Hình sự, người bị bệnh tâm thần, là trạng thái không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Điều 13. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự:
1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trình tự và thủ tục bắt buộc chữa bệnh được quy định tại điều 43, 44, Bộ luật hình sự".