"Hạt gạo chẻ tư" tri ân miền Nam

Đời sống - Ngày đăng : 11:19, 04/08/2021

Sài Gòn những ngày trở bệnh, lao đao vì đại dịch, người dân khắp Quảng Nam đã đứng ngồi không yên. Bởi trong nớ không chỉ là một phần của dải đất hình chữ S mà còn là nơi dang rộng vòng tay đón những người con xứ Quảng đến học tập, sinh sống và làm việc. Chính vì vậy, khi thành phố vốn nhộn nhịp và vội vã này bỗng chững lại, tĩnh lặng và ốm yếu, đồng bào khắp nơi đều một lòng hướng về…

Hạt gạo chẻ làm tư…

“Hồi xưa hạt gạo chẻ tư cũng chẻ được huống hồ chi mà chừ!”, “Của ít lòng nhiều, nhà ai có bí thì xách bí đi gửi, có đu đủ xách đu đủ, có mì tôm xách mì tôm. Ai cũng muốn sẻ chia chút lòng”… Những câu nói của bà con xứ Quảng nghe thật xúc động. 

ta1.jpg
Niềm vui của người dân Nam Trà My khi góp hàng chục tấn nông sản gởi vào vùng tâm dịch

Người Quảng Nam không biết nói lời văn vẻ, họ chỉ thức thâu đêm cùng xóm làng rang lạc làm muối, mấy trái dưa hồng cũng gom, cũng hái, cũng mót gởi vào Nam cho được. Có em bé vác trái bầu, trái bí, có người xách bao gạo mang đến đóng góp, nhờ xe chuyển vào cho bà con mình ở nơi tâm dịch. Mỗi người chung nhau một tay, cùng vận động mọi nhà quyên góp. Ngay từ sáng sớm, mọi người bắt đầu làm, ai cũng nhanh tay, muốn làm thật nhanh để đóng thùng gửi cho đồng bào ở miền Nam.

Hình ảnh bà con dân tộc thiểu số ở phía tây Quảng Nam, vốn quanh năm vất vả với nương rẫy, chạy từng bữa ăn. Thế nhưng những ngày qua, cùng chiếc gùi trên vai, họ xếp những trái bí, củ sắn thật cẩn thận, đầy ắp, bước thật nhanh đến điểm tập kết.

Nhiều hình ảnh người dân gùi đồ quyên góp, đi bộ hàng cây số mang đến điểm tập kết cho UBND huyện. Có gì góp nấy, từ những buồng chuối hay trái mít, dù nhỏ hay lớn thì cũng đong đầy yêu thương, giản dị của đồng bào vùng núi Quảng Nam.

Những “chuyến xe yêu thương” xuôi ngược đêm ngày. Trên xe là nông sản của bà con Quảng Nam, cứ nhằm hướng Nam lăn bánh, xuất phát từ nơi khó khăn đến với nơi đang khó khăn hơn. 

ta2.jpg
Người mẹ Tà Leng gởi cả tình thương và lòng tri ân với đồng bào trong Nam

Tôi lại nhớ đến những câu hát của Nhà báo Hồ Tấn Vũ – một người con xứ Quảng: “Buổi chiều nắng chang/Mẹ tôi gom rau gởi vào trong nớ/Chị tôi gom dưa gởi vào xe đò…Tấm lòng miền Trung gởi vào trong đó… Gởi em muối mặn, gởi mẹ gừng cay…”. “Năm ngoái năm kia, năm miền Trung lũ lụt/ Từng chuyến xe Nam đi về thôn xóm/ Mái nhà dựng lên/ Mẹ tôi chăn ấm/ Áo mới em tôi cắp sách đến trường/ Là tình người trong Nam…”.

Và chuyện ân tình với phương Nam

Sài Gòn những ngày bình yên, hào nhoáng không chê những phận nghèo quê hương Quảng Nam. Họ đã mở rộng tấm lòng bao dung, nghĩa tình, đã chia sẻ và tạo điều kiện cho biết bao con người, bao gia đình để mưu sinh, lập nghiệp. Từ hôm thành phố gặp chuyện khó khăn vì đại dịch, đồng bào Quảng Nam lại hướng về nơi thân thương ấy bằng trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng.

Tôi nhớ như in cái ngày bão lũ tràn qua, người dân quê tôi run run cầm trên tay tấm phiếu nhận quà của người Sài Gòn cứu trợ. Đó là những tháng ngày trĩu nặng tình yêu mà người Sài Gòn đã góp nhặt, san sẻ cùng bà con Quảng Nam, từng bộ quần áo, giày dép, từng viên thuốc, lọ dầu, từng tấm chăn ấm hay thùng mì tôm, cái bánh chưng gói vội…

ta3.jpg
Những chuyến xe yêu thương xuất phát từ nơi khó khăn đến nơi đang khó khăn hơn

Tôi chưa bao giờ quên hình ảnh hàng ngàn chuyến xe ngược xuôi chở hàng thiện nguyện từ T.P Hồ Chí Minh vượt bao khó khăn ngược lên với đồng bào vùng núi. . . Tất cả nườm nượp tốc hành ra vùng rốn lũ, bất chấp hiểm nguy trên những cung đường dài, chỉ để ôm vào lòng những đồng bào ruột thịt đang trong cơn nguy khó. 

Hôm nay, khi Sài Gòn trở bệnh, cũng những dì Hai, cô Ba, chú Bốn… gom vội chút cây trái vườn nhà nghèn nghẹn gởi theo xe thể hiện chút lòng thành, tấm lòng thơm thảo, cũng là cơ hội tri ân với đồng bào miền Nam. 

Chia sẻ những khó khăn với Sài Gòn và đồng bào miền Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: "…đây vừa là trách nhiệm không chỉ của các cấp chính quyền, nhân dân mà còn là tình tương thân tương trợ lâu đời của người xứ Quảng…".

ta4.jpg
Mỗi người mỗi việc, cùng chung tay chia sẻ khó khăn với Sài Gòn

Quảng Nam là thế, ấm lòng, vị tha, bao dung, và luôn trăn trở với khó khăn của người khác. Những hối hả, nhiệt thành, tận tâm của chị em phụ nữ, các cô cậu thanh niên trẻ trung, cả các mẹ lớn tuổi và nhiều bạn nhỏ bé xíu…

Người gửi đi như gửi cả tấm lòng...Với người Quảng Nam dù ít nói ra nhưng không quên chút gì.

Bảo Nguyên