TAND TP Hà Nội: Điểm sáng trong công tác xét xử của hệ thống Toà án

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 19:51, 03/08/2021

Trong những năm qua, TAND hai cấp TP Hà Nội được biết đến là một đơn vị có bề dày truyền thống nổi bật về mọi mặt, luôn biết cách vươn mình vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành điểm sáng trong công các xét xử của hệ thống Toà án.

Đặc biệt, đơn vị đã xét xử thành công hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, đáp ứng yêu cầu về đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin giao. Để biết rõ hơn về những điều đó, PV Báo Công Lý đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XV.

6dc81102-1a82-4c34-ad2d-9365cc39850c.jpeg
Đồng chí Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XV

PV: Được biết, trong giai đoạn 2016-2021, TAND hai cấp TP Hà Nội không chỉ hoàn thành tốt các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, hoàn thành nhiệm vụ được TANDTC giao cho, mà đơn vị còn đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác, xin Chánh án cho biết những kết quả nổi bật TAND hai cấp TP Hà Nội đã đạt được trong giai đoạn vừa qua?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Trong nhiệm kỳ qua, số lượng các vụ việc phải giải quyết bình quân mỗi năm tăng 08%, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng TAND hai cấp TP Hà Nội đã không ngừng đổi mới, triển khai thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao với một số kết quả nổi bật như sau:

Một là, công tác xét xử đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu quan trọng Quốc hội giao với chất lượng cao. Trong nhiệm kỳ, đã thụ lý 161.762 vụ việc các loại, giải quyết 154.250 vụ việc, đạt tỷ lệ 95,35%; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội, hoặc bỏ lọt tội phạm. Việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đảm bảo đúng pháp luật.

Hai là, đã tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm theo dõi, được dư luận đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao, đáp ứng được yêu cầu và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Ba là, tăng cường cải cách tư pháp; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng cao, phán quyết của Tòa án được ban hành dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa; xây dựng mô hình hành chính tư pháp “một cửa, liên thông”, đơn giản hóa các bước, thủ tục tại Tòa án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Tòa án, triển khai xây dựng những thư mục mới trên Trang thông tin điện tử của TAND TP Hà Nội và đã công khai được 44.002 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, góp phần tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử.

Bốn là, tích cực tham gia công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; tham gia đóng góp ý kiến đối với nhiều dự thảo Luật cũng như các văn bản hướng dẫn Luật. Đặc biệt, TAND hai cấp TP Hà Nội đã triển khai thực hiện thành công thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án.

Sau gần 01 năm triển khai thực hiện thí điểm, 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP Hà Nội đã hòa giải, đối thoại thành 5.487 vụ việc, đạt tỷ lệ 71,10%, là một trong các địa phương có số lượng vụ việc hòa giải thành cao nhất, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai phương thức giải quyết tranh chấp mới dựa trên nền tảng là tăng cường công tác hòa giải, đối thoại, giúp các bên hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân.

55b0a2ef-6b5e-4c30-9a0c-31f1c1f00192.jpeg
Chánh án Nguyễn Hữu Chính trao đổi với PV Báo Công Lý

Năm là, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đã hoàn thành việc tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW; tăng cường công tác xây dựng Đảng, kết hợp chặt chẽ với công tác xây dựng đội ngũ công chức liêm chính, chuyên nghiệp; xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Trung ương và Thành phố về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND và Chỉ thị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong các TAND.

Sáu là, chủ động và trách nhiệm trong hoạt động hợp tác quốc tế, thực hiện có hiệu quả các yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài cũng như ủy thác tư pháp ra nước ngoài; tham gia các đoàn công tác của Trung ương, Thành phố giao lưu, học tập kinh nghiệm của quốc tế cũng như tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến làm việc tại Việt Nam liên quan đến công tác tư pháp.

PV: Chánh án hãy chia sẻ kinh nghiệm để có được những kết quả nêu trên?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Từ thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thủ đô, TAND TP Hà Nội rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng TANDTC, Thành ủy, HĐND, UBND, Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội và vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị là tiền đề cơ bản, quan trọng nhất để TAND hai cấp TP Hà Nội có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Thứ hai, không ngừng củng cố, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng ở Trung ương và Thành phố, cũng như với các Sở, Ban, Ngành Thành phố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công trong hoạt động của Tòa án.

Thứ ba, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động trong nội bộ Ban cán sự đảng, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, Chi bộ, đội ngũ cán bộ, đảng viên TAND hai cấp TP Hà Nội, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ là sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ chính tri được giao.

Thứ tư, đối với các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, để có thể giải quyết tốt các vụ án này, cần phải lựa chọn Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân là những người có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm xét xử và bản lĩnh chính trị vững vàng; lãnh đạo cơ quan cần bao quát, chủ động nắm bắt thông tin và sát sao trong suốt quá trình giải quyết vụ án, từ khâu chuẩn bị xét xử, tại phiên tòa cũng như sau phiên tòa; cần có sự phối hợp chặt chẽ, bài bản giữa Tòa án với các cơ quan có liên quan; sau mỗi phiên tòa, phải tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc. Đây là những nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành công của phiên tòa.

PV: Được biết, trong những năn gần đây, TAND hai cấp TP Hà Nội đã xét xử hàng nghìn các vụ án kinh tế, tham nhũng. Trong đó, có nhiều vụ án phức tạp có tính chất nghiêm trọng, có nhiều bị cáo có chức vụ nhưng đã được đơn vị xét xử thành công, được dư luận đồng tình. Chánh án có thể điểm lại một số vụ án điển hình mà đơn vị đã xét xử trong giai đoạn vừa qua?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Trong những năm vừa qua, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn là vấn đề “nóng” được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Với vai trò là cơ quan xét xử, nằm trên địa bàn Thủ đô, trung tâm hành chính, văn hóa, xã hội của cả nước, TAND hai cấp TP Hà Nội luôn ý thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ này, đã tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, theo dõi, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, điển hình như: vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Á Châu (ACB); vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank); vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); vụ án Nguyễn Bắc Son và đồng phạm xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ; vụ án xảy ra tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO); vụ án Vũ Huy Hoàng và đồng phạm xảy ra tại Bộ Công thương và Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và gần đây nhất là vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường… Với một số kết quả nổi bật như sau:

Một là, Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; phiên tòa được diễn ra trên tinh thần đổi mới, dân chủ, công khai khách quan; mô hình phòng xử, trang phục Thẩm phán lần đầu tiên được áp dụng; việc tranh tụng tại phiên tòa được đảm bảo, không hạn chế thời gian tranh tụng, Kiểm sát viên thực hiện đối đáp đến cùng, Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa để làm rõ các hành vi tố tụng, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo quyền con người, nâng cao vai trò của luật sư trong hoạt động tranh tụng.

Hai là, Bản án của Tòa án được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng đối với những người có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, có tác dụng cải tạo, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX đã chủ động kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ những hành vi có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

Ba là, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt được những kết quả đáng khích lệ, mà điển hình là vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone đã thu hồi được toàn bộ số tiền nhà nước bị thiệt hại là hơn 8.445 tỷ đồng và qua quá trình trang tụng công khai tại phiên tòa, các bị cáo tự nguyện nộp lại số tiền đã chiếm hưởng là hơn 100 tỷ đồng, đây cũng là vụ án tham nhũng đầu tiên ở nước ta thu hồi được toàn bộ số tiền Nhà nước bị thiệt hại và số tiền chiếm hưởng của các bị cáo.

Bốn là, kết quả xét xử các vụ án được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; đáp ứng được yêu cầu và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

PV: Xin Chánh án cho biết, trong những năm tiếp theo, TAND hai cấp TP Hà Nội đã có những kế hoạch triển khai công việc cụ thể như thế nào để trở thành một đơn vị luôn đi đầu trong hệ thống Toà án?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Trong những năm tới, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh vai trò và vị thế quốc tế của nước ta cả về kinh tế, chính trị ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; bên cạnh đó, cũng sẽ xuất hiện không ít thách thức, khó khăn. Khối lượng công việc của TAND nói chung và TAND hai cấp TP Hà Nội nói riêng sẽ ngày càng tăng, để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, TAND hai cấp TP Hà Nội cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; bán sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của TANDTC và Thành ủy Hà Nội trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội cũng như TAND giao; đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án dư luận xã hội quan tâm, chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng; làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự theo Chỉ thị số 04/2017/CT-TA ngày 03/10/2017 của Chánh án TANDTC; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/2018/CT-TA ngày 05/12/2018 của Chánh án TANDTC để nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết án hành chính.

Thứ ba, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn, liêm chính; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng Đảng với xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức Tòa án hai cấp để tạo nguồn nhân lực có chất lượng…

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan; thực hiện nghiêm việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; chủ động phối hợp với các cơ quan bổ trợ tư pháp trong các hoạt động giám định, định giá tài sản làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án; khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm và chủ động đề ra các giải pháp phòng ngừa các thiếu sót, vi phạm trong hoạt động của TAND; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp rà soát các bản án dân sự chưa thi hành do tuyên không rõ ràng để giải thích, đính chính kịp thời.

Thứ năm, tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở và nâng cấp các trang thiết bị làm việc để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử; công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân khi thực hiện các thủ tục tại Tòa án.

Thứ sáu, làm tốt công tác tương trợ tư pháp; tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp.

PV: Xin cảm ơn Chánh án!

Mạnh Hùng