Tung tin giả, sai sự thật về dịch COVID-19 là tội ác!

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 18:33, 03/08/2021

Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, tung tin giả, sai sự thật không thể chỉ xem nhẹ như hành vi cẩu thả, tùy hứng, hay chủ đích “gây rối” nữa, mà cần phải xem đó như một tội ác. Tội ác gây hậu quả ở quy mô một quốc gia hay toàn cầu.
tung-tin-gia-sai-su-that-ve-cich-covid-19-la-toi-ac10.jpg
Các tin giả liên quan dịch bệnh Covid-19 liên tục xuất hiện, gây hoang mang cho người dân. Ảnh VOV

Trong khi Viêt Nam cùng thế giới đang nỗ lực chiến đấu với đại dịch COVID-19 thì số lượng thông tin giả mạo về cuộc chiến này trên các mạng xuyên biên giới Facebook, YouTube và TikTok gia tăng một cách đáng lo ngại. Đặc biệt là những thông tin giả mạo, sai sự thật về vacine, các ca bệnh, tình trạng phong tỏa và thậm chí là trích dẫn sai lệch về các chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch bệnh đã và đang làm cho cuộc chiến chống COVID-19 của dân tộc vốn đang trong thời điểm cam go ngày càng trở nên khó lường hơn.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2021 của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) cho thấy, có hơn 1.100 lượt báo cáo tin giả, với tổng số tiền phạt hành chính là 177 triệu đồng. Trong đó, những thông tin chủ yếu bị xử lý là tin giả liên quan đến Covid-19.

Dịch mới vừa bùng phát, từ ngày 1-19/7, thống kê nhanh của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, có tới hơn 280 nội dung từ các kênh, trang tin thường xuyên công kích, nói xấu thành phố. Mới đây nhất là hình ảnh một số thi thể được bọc lại nằm dưới sàn nhà, các kênh phản động đã khẳng định hình ảnh là người bệnh COVID-19 tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng thực tế đó là những hình ảnh ở nước ngoài bị các đối tượng đưa lên mạng để gây hoang mang dư luận. Hay thông tin xuyên tạc nói rằng thành phố đang nhốt gần 6.000 tiểu thương ở chợ Bình Điền, trong khi trên thực tế chợ này đang ngừng hoạt động không có ai ra vào. Thông tin thất thiệt về việc đề nghị người dân không ra đường từ tối 26/7 do có 5 máy bay trực thăng phun khử trùng vào không khí để diệt khuẩn cũng được Bộ Tư lệnh TP.HCM khẳng định sai sự thật.

tung-tin-gia-sai-su-that-ve-cich-covid-19-la-toi-ac2.jpg
Hình ảnh xác chết ở Myanmar,, nhưng một số tài khoản facebook tung tin đây là hình ảnh xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM.

Tại Hà Nội, khi xuất hiện những ca bệnh ngoài cộng đồng, chiều 2/8, trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ thông tin “Hà Nội siết quy định chỉ cho người dân được ra ngoài 7 ngày/1 lần”. Ngay lập tức, Sở TT&TT Hà Nội gửi thông tin đến tất cả người dân qua zalo cảnh báo đây là tin giả. Ngày 29/7, một tài khoản Facebook đăng thông tin “Giờ giới nghiêm của Hà Nội sẽ tính từ 18h tối nay…” và VAFC xác định đây là tin giả. Hay trước đó một người phụ nữ trú tại quận Tây Hồ đã tung tin thất thiệt “Hà Nội lập 3.000 chốt”…

Tung tin giả, sai sự thật do một bộ phận người dùng mạng xã hội thiếu kiến thức pháp luật, tùy hứng, thiếu trách nhiệm, đôi khi muốn “câu like, view” hay “thích thể hiện”. Song cũng không loại trừ khả năng, những thông tin giả, sai sự thật về tình hình dịch COVID-19 được đưa lên mạng xã hội là có chủ đích, nhằm gây hoang mang, tâm lý bất ổn, lòng dân hoảng loạn, dẫn đến mất niềm tin vào các chủ trương, đường lối trong công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước.

Có thể thấy rằng sự xuất hiện, lan truyền các tin giả đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, sự hoảng hốt, lo sợ thái quá dễ gây phản ứng dây chuyền, không đáng có, nguy cơ gây mất kiểm soát và có thể dẫn đến những hậu quả rất khó lường. Thực tế, vì những thông tin thiếu chính xác như vậy không ít tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Nguy hiểm hơn có trường hợp, đằng sau những đối tượng chống đối, còn có sự tiếp sức của các thế lực thù địch kêu gọi dân chúng biểu tình, gây rối trật tự hòng phá việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phá hoại sự bình ổn và đời sống vốn đang khó khăn của nhân dân. Chúng muốn tạo ra cục diện hỗn loạn trên đất nước ta.

Quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 và Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 15.000.000 đồng, hoặc bị mức phạt tù đến 7 năm.

Mới đây, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng có Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đến thời điểm này được xem là cuộc chiến không cân sức, mà sự chủ động có phần đang nghiêng về một thứ virus tinh vi, khó lường. Thế giới mà ngay cả những nước hùng mạnh cũng phải chấp nhận tuân thủ một số quy tắc, không ngừng nâng cao năng lực để ứng biến với các biến thể virus theo giờ. Chính vì sự biến chủng với tốc độ nhanh, khó kiểm soát, mà không chỉ Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào, dù muốn hay không cũng phải xác định một cuộc chiến kéo dài, dự báo còn nhiều tổn thất.

Các chuyên gia gọi những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội là một loại virus “siêu lây lan” và gây nguy hiểm nghiêm trọng như virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, thông tin giả về vaccine cũng có thể "giết người". 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo tin giả về vaccine đang gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng, làm suy yếu cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia, đẩy tính mạng người dân vào nguy hiểm.

Mạnh mẽ hơn, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi cộng đồng quốc tế kích hoạt cuộc chiến thứ hai - cuộc chiến chống lại nạn tin giả về vaccine ngừa COVID-19, bên cạnh cuộc chiến chống COVID-19, bởi sự xuất hiện ngày càng ồ ạt những thông tin sai lệch, nhiễu loạn về vaccine chính là "đại dịch thứ hai" mà thế giới đang đối mặt khi chúng tạo điều kiện cho virus tiếp tục lây lan và hủy hoại những nỗ lực phòng chống COVID-19.

Trong bối cảnh đầy thách thức và vô cùng nhạy cảm đó, một thông tin bịa đặt, hay sai sự thật về vaccine có thể phá hoại tiến trình chống đỡ với dịch bệnh, đồng nghĩa chúng ta sẽ hi sinh và đổ vỡ nhiều hơn, trong đó không loại trừ những tổn thất về sinh mạng, thậm chí hàng triệu sinh mạng. Thế nên, tung tin giả, sai sự thật về dịch COVID-19 không thể chỉ xem nhẹ như hành vi cẩu thả, tùy hứng, hay chủ đích “gây rối” nữa, mà cần phải xem đó như một tội ác. Tội ác gây hậu quả ở quy mô một quốc gia hay toàn cầu.

Việt Nam không nằm ngoài cuộc chiến ấy, chúng ta cần phải nhìn nhận rõ và sâu sắc hơn mức độ nghiêm trọng của việc tung tin giả, sai sự thật trong phòng chống COVID-19. Đồng thời, xác định cuộc chiến đấu, ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này là nhiệm vụ quan trọng, cần quyết liệt triển khai của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Thu Vân