Thẩm phán Lê Xuân Vinh: Vượt qua khó khăn để cống hiến với nghề

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 22:19, 30/07/2021

Tiếp nối mạch nguồn của các nguyên lãnh đạo Tòa án huyện Ngọc Lặc đã gây dựng trước đây, hiện nay với cương vị Chánh án, đồng thời là Bí thư Chi bộ, Thẩm phán Lê Xuân Vinh luôn xây dựng một tập thể đoàn kết, tạo nhiều phong trào thi đua để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, Chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

Năm 1997 “cái duyên” với nghề Tòa án đã đến với anh Vinh khi anh nhận quyết định về làm việc tại TAND huyện Ngọc Lặc. Vào thời điểm anh đặt chân lên huyện Ngọc Lặc, bốn hướng đều là “rừng thiêng nước độc”, âm u với những ngọn đồi bạt ngàn cây lá bao phủ. Buổi đầu về nhận công tác tại Tòa án, anh bắt đầu từ công việc của một thư ký.

Với sự đam mê nghề nghiệp, vốn là con người sáng dạ và cần mẫn, anh vừa làm vừa không ngừng học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ. Năm 2004, anh được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND huyện Ngọc Lặc, đến năm 2021 anh được bổ nhiệm chức vụ Chánh án TAND huyện Ngọc Lặc cho tới nay

chanh-an-le-xuan-vinh-tand-huyen-ngoc-lac.jpg

Thẩm Phán Lê Xuân Vinh là người luôn cần mẫn với công việc

Qua bao năm tháng lăn lộn với nghề, có những kỷ niệm, khó khăn riêng mà Thẩm phán Vinh không thể quên. “Khi tôi lên đơn vị nhận công tác lần đầu tiên, một mình đạp xe đạp gần 50 cây số, khi đó dân cư còn thưa thớt, tôi phải qua mấy nhà dân mới hỏi được trụ sở Tòa. Ngày trước trụ sở Tòa án chỉ là nhà cấp 4, xung quanh cây cối, cỏ mọc um tùm, anh chị em trong cơ quan phải làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn cơ sở vật chất và rất vất vả. Những lần đi cơ sở, xe đạp là phương tiện duy nhất để sử dụng, thời tiết ở đây thì mùa hè nắng cháy da thịt, mùa mưa thì bùn lầy đặc quánh, trèo đèo lội suối có cả. Có hôm xe hỏng giữa đường thì đi bộ ròng rã cả buổi, đến khi về là đã chập choạng tối, quần áo chân tay lấm lem. Mặc dù điều kiện sinh hoạt của anh em Tòa án gian khổ là vậy nhưng chúng tôi sống rất hòa đồng và tình cảm”. Lắng nghe câu chuyện của anh, chúng tôi mới cảm nhận được chỉ những con người có tâm huyết, tình yêu lớn lao như thế nào mới giúp Thẩm phán Vinh vượt qua mọi khó khăn.

Ngọc Lặc là huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc. Nhiều phong tục tập quán địa phương còn nặng nề, nên việc giải quyết những vụ án hôn nhân và gia đình cần phải làm sao vừa đúng pháp luật nhưng đồng thời không ảnh hưởng đến phong tục tập quán. Trong suốt quá trình công tác của mình, Thẩm phán Lê Xuân Vinh luôn trăn trở đi sâu tìm hiểu nhiều phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư để động viên, hướng dẫn cán bộ trong đơn vị biết vận dụng hài hòa giữa pháp luật với phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nhằm làm tròn trách nhiệm được nhà nước phân công. Đồng thời cũng là người “ tuyên truyền viên tích cực” nâng cao nhận thức về pháp luật cho bà con.

Anh Vinh chia sẻ: “Mỗi công việc đều có những khó khăn, vất vả riêng, chỉ có những người làm việc trực tiếp mới thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả ấy. Hai năm nay tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, việc tiếp nhận đơn qua bưu điện cũng bộc lộ những hạn chế. Trước đây, nếu đương sự đến Tòa thì được các thư ký hướng dẫn cụ thể nên việc hoàn thiện bổ sung các loại giấy tờ liên quan rất đầy đủ và nhanh chóng. Nhưng nếu nộp đơn qua bưu điện thì đến khi thẩm phán nhận thụ lý vụ việc mới phát hiện còn thiếu các mẫu cần bổ sung, dẫn đến việc giải quyết bị chậm và kéo dài. Có những đương sự Tòa đã gửi giấy mời làm việc nhiều lần nhưng do dịch họ không về được, những ảnh hưởng khách quan này đã gây khó khăn không nhỏ cho việc giải quyết các loại án.

Thẩm phán Vinh cho biết thêm, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án của anh tính từ ngày 01 tháng 11 năm 2015 đến ngày 30 tháng 4 năm 2021, tổng số vụ, việc thẩm phán đã giải quyết, xét xử 799 vụ, việc. Các vụ, việc đã được giải quyết theo đúng trình tự của pháp luật, không để xảy ra oan sai, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm. Để làm được điều đó, anh xác định, khi giải quyết, xét xử phải thực sự công tâm, khách quan, công bằng mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong mỗi vụ án, ngoài việc nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, các văn bản luật liên quan, anh còn tham khảo thêm ý kiến của các đồng nghiệp có kinh nghiệm, các cán bộ chuyên ngành khác để xác định rõ quan hệ tranh chấp, từ đó áp dụng đúng điều luật và có định hướng giải quyết vụ án.

Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền Thẩm phán Lê Xuân Vinh đã được nhận giấy khen, bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và các cấp, ngành địa phương trao tặng. Sự ghi nhận ấy là động lực để anh cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tài Đức