Dịch vụ thiết yếu nào được hoạt động tại Hà Nội trong thời gian giãn cách?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 07:34, 30/07/2021

Để bảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đã liệt kê cụ thể từng nhóm ngành được coi là thiết yếu và được phép hoạt động dựa trên nhu cầu cơ bản và theo đánh giá của số đông người dân.

Hỏi: Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết, thành phố Hà Nội đang trong tuần cao điểm thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid - 19. Xin hỏi trong thời gian giãn cách, các dịch vụ thiết yếu nào sẽ được hoạt động? Xin cảm ơn.

Mai Tuệ Linh, Hà Nội

ha-noi-gian-cach.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời: Căn cứ vào nội dung Chỉ thị số 17/TC-UBND của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 23/7/2021 thì các cơ sở kinh doanh được coi là thiết yếu và được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội bao gồm ba nhóm sau:

Nhóm 1: Nhóm nhu yếu phẩm: Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm.

Nhóm 2: Nhóm y tế: Cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch.

Nhóm 3: Nhóm dịch vụ: khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội, tang lễ.

Tính thiết yếu của hàng hoá dịch vụ trong sinh hoạt của mỗi người dân là khác nhau tuỳ thuộc vào hoàn cảnh sống và nhu cầu thực tế của mỗi người. Tuy nhiên, để bảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã liệt kê cụ thể từng nhóm ngành được coi là thiết yếu và được phép hoạt động dựa trên nhu cầu cơ bản và theo đánh giá của số đông người dân. Chính quyền thành phố Hà Nội mong muốn nhân dân thủ đô ủng hộ và tự giác thực hiện để bảo vệ sức khoẻ của chính mình và của cả cộng đồng.

Do việc đánh giá tính cấp thiết mang tính tương đối và do sự đa dạng trong nhu cầu của các công dân, nên trường hợp nếu người dân cảm thấy quy định trên là chưa thoả đáng có thể làm văn bản kiến nghị tới Thành phố để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu nhập giảm sút, giao thương đình trệ, bản thân mỗi người dân với tư cách là người tiêu dùng hàng hoá, người hưởng thụ dịch vụ sẽ tự cân nhắc việc có chi tiêu hay không chi tiêu cho một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Nếu cầu giảm hoặc không tồn tại, thì sẽ không có cung. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu sẽ buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Đoàn kết là sức mạnh, trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Nhà nước rất cần sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân trong việc tự giác chấp hành các quy định chung để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

LS Kiều Trang, Công ty Luật Sao Sáng