Cần hỗ trợ mạnh hơn để tiếp sức giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất
Kinh tế - Ngày đăng : 17:01, 29/07/2021
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến về những nội dung liên quan đến công tác tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 gắn với việc hỗ trợ doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, ổn định và bảo đảm sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần duy trì, phát triển nền kinh tế - xã hội đất nước.
Nhìn nhận về những khó khăn, thách thức 6 tháng cuối năm nay, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, nhận định, tăng trưởng quý III khả năng sẽ tiếp tục thấp hơn so với kế hoạch, do chịu tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh mới này khiến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 trở nên kém lạc quan.
Nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các doanh nghiệp hàng không, du lịch, vận tải đang phải chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Dù vậy, trong khó khăn, trong khu vực “nội” của nền kinh tế cũng xuất hiện những yếu tố tích cực. Trong đó có nông nghiệp.
Dường như lúc nào nền kinh tế gặp khó khăn, nông nghiệp đều là chỗ dựa an toàn và là điểm tựa thành công. Nhưng nông nghiệp không chỉ là vùng đệm và bệ đỡ an toàn cho nền kinh tế. Lĩnh vực này đang vượt lên với nỗ lực ứng dụng công nghệ cao và tiên phong ra thị trường thế giới thành công. Điểm này cần được đúc kết để có cách tiếp cận chính sách, cơ chế tích cực hơn nữa.
Bên cạnh đó, chúng ta ấn tượng với tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp công nghệ thông tin. Đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chuyển đổi số, doanh nghiệp số, công nghệ số đã tăng trưởng hơn 20% theo như báo cáo của Tổng cục Thống kê. Trong khó khăn nhưng phản ứng về chính sách của các doanh nghiệp Việt Nam tích cực, linh hoạt và nhiều triển vọng trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Một điểm quan trọng, xuyên suốt trong điều hành của Chính phủ là kiên định lập trường “mục tiêu kép” kết hợp với tính linh hoạt và quyết đoán trong chỉ đạo thực tiễn. Cách tiếp cận “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sau Cách mạng Tháng Tám dường như đang được tái hiện.
Trong tình huống mới, Chính phủ vẫn kiên định “mục tiêu kép” nhưng phương cách phòng chống dịch đã có sự thay đổi cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Chính phủ đã điều chỉnh, chuyển sang chiến lược ưu tiên nhiều hơn cho vaccine, chứ không chỉ tập trung truy vết hay phong tỏa... Tình thế thay đổi cho thấy quyết sách mạnh và đúng đắn của Chính phủ.
Hành động quyết đoán, linh hoạt, tạo “kháng thể” mạnh cho doanh nghiệp
Các ĐBQH và chuyên gia kinh tế đều cho rằng, giải pháp căn cơ để phục hồi, phát triển kinh tế là cần đẩy mạnh tiêm chủng vaccine COVID-19, đặc biệt là tại các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế, vừa bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, cho doanh nghiệp, vừa tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại biểu đoàn TP Hà Nội), cho rằng, song song với việc tiêm vaccine, cần chuẩn bị lộ trình để mở cửa lại nền kinh tế tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân. Đại biểu cũng đề xuất cơ chế “hộ chiếu vaccine” cho toàn dân khi có đủ tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đây là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế phục hồi trở lại.
Bên cạnh đó, điều được không chỉ các đại biểu mà cả người dân và các doanh nghiệp quan tâm là gói hỗ trợ thứ hai 26.000 tỷ đồng. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đánh giá gói này được xây dựng, triển khai “trên tinh thần hết sức thông thoáng.” Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý: “Đổi mới là điều hết sức trân trọng nhưng nếu không thận trọng thì chúng ta sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Khẩn trương là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng, phân loại ngành nghề, quy mô có điều kiện, tiêu chí, không phô trương, không hình thức, tránh lãng phí” và nêu kiến nghị về việc cân nhắc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói hỗ trợ.
Đồng thời, gói hỗ trợ cần phải tập trung hỗ trợ đòn bẩy cho các DN đang nỗ lực và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN có khả năng phục hồi; tiếp tục tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư cho cơ hội bỏ vốn, đặc biệt DN vừa và nhỏ, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.
Còn đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị, ngoài những biện pháp hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị bổ sung thêm nội dung xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi, tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các công cụ về tài chính, tài khóa. Trong đó cần có các khoản tín dụng thực sự ưu đãi đối với DN, không phải ưu đãi như hiện nay là giãn trả nợ hay giảm một chút lãi suất. Vì điều này chỉ giúp cho DN “không bị chết” thôi. Còn để DN đột phá, đón được các xu hướng kinh tế thì phải có những nguồn đầu tư lớn, mới hoàn toàn.
Ông cũng nhận định trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, nếu DN có được nguồn lực hỗ trợ tốt thì có thể “thâu tóm, thay thế các xu hướng đang bị đứt gãy”. Ông đề xuất Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, từ đó tăng cầu Chính phủ, tăng cơ hội việc làm cho các ngành liên quan và tạo tiền đề cho phát triển.
Nhìn chung với tinh thần đồng hành cùng với DN, vừa qua Chính phủ đã ban hành rất nhiều các chính sách để hỗ trợ DN như giãn, hoãn các khoản thuế, cơ cấu lại các khoản nợ… Kể cả gói 26.000 tỷ đồng của Nghị định 68 vừa qua để hỗ trợ người lao động, DN sử dụng lao động, chung quy cũng là để hỗ trợ cho DN. Những chính sách này đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho DN.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)