Ra ngân hàng rút tiền có vi phạm Chỉ thị 16 không?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 09:13, 29/07/2021

Ra Ngân hàng rút tiền để chi tiêu cho các hoạt động thiết yếu là một nhu cầu chính đáng, cần thiết và không vi phạm nội dung chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3/2020.

Hỏi: Khu vực tôi đang sinh sống hiện nay có rất nhiều chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid – 19. Hiện nay tôi có việc muốn ra ngân hàng rút tiền để giải quyết việc riêng, như vậy có vi phạm Chỉ thị 16 không? Xin cảm ơn!

Độc giả Nguyễn Thị Mai Hương, Cầu Giấy, Hà Nội

1.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời: Tiền là phương tiện thanh toán chính của người dân Việt Nam. Vậy nên việc ra Ngân hàng rút tiền để chi tiêu cho các hoạt động thiết yếu là một nhu cầu chính đáng, cần thiết và không vi phạm nội dung chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3/2020.

Tuy nhiên, trường hợp người dân ra Ngân hàng rút tiền nhưng không đeo khẩu trang, không thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, tụ tập quá hai người, không giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp thì lại được coi là vi phạm nội dung của Chỉ thị số 16 và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 16 không cấm mà vẫn cho mọi người ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết. Chỉ thị 16 có liệt kê một số hoạt động được coi là cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.

Chỉ thị số 16 chỉ mang tính chất diễn giải cách hiểu về những hoạt động được coi là thiết yếu, không mang tính chất áp đặt hay ép buộc. Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện sống cụ thể mà mỗi người tự xác định xem hoạt động nào được coi là thiết yếu, hoạt động nào không phải thiết yếu để ứng xử cho phù hợp.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình và gia đình, thì người dân nên hạn chế ra ngoài theo khuyến nghị của Chính phủ, hạn chế đi lại để cắt đứt nguồn lây nhiễm vi rút trong cộng đồng.

Việc người dân hạn chế đi lại là để bảo vệ lợi ích của chính mình, vì tần suất di chuyển và giao tiếp càng cao thì càng tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh. Một khi đã bị nhiễm bệnh thì sức khỏe, tính mạng của công dân sẽ bị xâm phạm. Nếu số ca nhiễm tăng cao vượt quá khả năng kiểm soát của Chính phủ, thì dễ dẫn tới tình trạng kinh tế lạm phát, quá tải y tế, xã hội mất ổn định…. Khi đó, những quyền cơ bản của con người, quyền công dân sẽ khó có thể được bảo vệ một cách toàn vẹn. Do đó, mọi người cần nâng cao ý thức, tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh để chung tay cùng Nhà nước đẩy lùi đại dịch Covid-19.

LS Kiều Trang, Công ty Luật Sao Sáng