Hàng loạt đơn vị xả thải trái quy định: Ai chịu trách nhiệm?

Môi trường - Ngày đăng : 11:09, 28/07/2021

Hàng loạt cơ sở sản xuất bột giấy, hàng mã, chế biến lâm sản xây dựng dọc bờ sông Mã đã xả thẳng ra môi trường kéo dài nhiều năm. Sai phạm được “chỉ mặt, đặt tên” nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương vẫn chưa được xem xét, xử lý thích đáng.

Sau sự cố cá chết hàng loạt trên sông Mã (Thanh Hóa) khiến hàng trăm hộ nuôi cá lồng rơi cảnh điêu đứng, nợ nần như chúa chổm, Đoàn liên ngành tỉnh Thanh Hóa gấp rút vào cuộc kiểm tra, chỉ ra các sai phạm. Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các đơn vị vi phạm trên địa bàn huyện Bá Thước, Quan Hóa.

Cụ thể: Hợp tác xã chế biến lâm sản Quan Hóa bị phạt 160 triệu đồng; Hợp tác xã chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 1) phạt 180 triệu đồng; Hợp tác xã chế biến lâm sản Sông Mã cơ sở 2, bị phạt 160 triệu đồng; Hợp tác xã Xuân Dương bị phạt 140 triệu đồng; Công ty Duyệt Cường bị phạt 160 triệu đồng; Hợp tác xã Hà Long bị phạt 140 triệu đồng; Công ty đầu tư và phát triển Hạnh Nguyễn bị phạt 130 triệu đồng; Công ty thương mại vận tải Hoàng Vân bị phạt 110 triệu đồng và Hợp tác xã Hợp Phát bị phạt 130 triệu đồng; công ty Quyết Duy Tiến và Đồng Tâm TH mỗi doanh nghiệp 160 triệu đồng.

Trong quá tình kiểm tra, 9 cơ sở sản xuất ngành hàng mã, bột giấy ở các địa phương cũng bị phát hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng như lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, xây dựng nhà xưởng, nhà điều hành và các công trình sản suất khác khi chưa được cấp phép... Theo yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ những cơ sở này phải tháo dỡ công trình vi phạm trong thời gian 30 ngày và chịu mọi chi phí phát sinh nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành hoặc rút giấy phép.

Chiều 27/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang chủ trì hội nghị nghe báo cáo kết quả th anh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, vàng mã, chế biến lâm sản, tinh bột sắn và các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước hệ thống các sông trên địa bàn.

Trong thời gian từ ngày 28/4 đến ngày 9/6/2021, Đoàn thanh tra đã phối hợp với UBND các huyện: Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và TP Thanh Hóa triển khai thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với 17 cơ sở sản xuất giấy, bột giấy và 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn các huyện.

a2moitruong.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang khẳng định kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế

Qua quá trình thanh tra tại các cơ sở chế biến lâm sản, sản xuất bột giấy, vàng mã trên địa bàn các huyện cho thấy các cơ sở đều có các hành vi vi phạm quy định về đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường ở các mức độ khác nhau. Căn cứ vào kết quả thanh tra, báo cáo, hồ sơ đề nghị xử phạt của Đoàn thanh tra và UBND các huyện, UBND tỉnh đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường và 11 quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, với tổng số tiền xử phạt là hơn 2,3 tỷ đồng.

Một lần nữa ông Giang khẳng định “tỉnh Thanh Hóa kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Do đó đề nghị các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần chú trọng đến các yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường trong quá trình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản nói riêng và các ngành, nghề khác nói chung. Các đơn vị cần nghiêm túc khắc phục các sai phạm, nhất là chú trọng đầu tư xây dựng, đổi mới công nghệ hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định. 

a3moitruong.jpg
Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa Trương Nho Tự nơi có các cơ sở chế biến xả thải trái phép

Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi sang các ngành nghề sản xuất khác không gây ô nhiễm môi trường; có phương án chuyển đổi địa điểm sản xuất tránh làm ảnh hưởng đến môi trường và quy hoạch phát triển của các địa phương. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở có công nghệ sản xuất lạc hậu, không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường thì kiên quyết dừng hoạt động.

Sai phạm của các đơn vị kể trên không phải diễn ra ngày một, ngày hai và tình trạng cá chết bất thường trên sông Mã năm nào cũng có. Vai trò của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát ở đâu? Trách nhiệm người đứng đầu thế nào đối với sai phạm kéo dài kể trên phải được làm rõ, xử lý nghiêm. Dư luận có quyền đặt câu hỏi về việc tiếp tay, làm ngơ cho những hành vi trái pháp luật, xâm hại tới môi trường, đời sống người dân.

a4moitruong.jpg
Cá chết bất thường khiến người nuôi cá lồng điêu đứng

Tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Sự tự trọng trong mỗi đảng viên, cán bộ, lãnh đạo cần được “đánh thức” để nhìn nhận, đánh giá toàn diện về sự việc, dám chịu trách nhiệm. Cứ xun xoe, hòa cả làng thì người dân, dư luận không thể phục. Hàng trăm hộ nuôi cá lồng điêu đứng do cá chết hàng loạt, nguồn nước ô nhiễm chưa thể thả nuôi lứa mới trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đang cần sự hỗ trợ. Việc xác định nguyên nhân cá chết để có thể bồi thường phải mất một thời gian nữa. Không những thế người dân bị thiệt hại phải khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong hành trình này, các cấp, ngành, chính quyền địa phương đừng để người dân đơn độc.


Thanh Phương