Áp dụng 16+ vẫn rất cần ý thức
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 21:40, 27/07/2021
Thế giới đang đối mặt với giai đoạn rất nguy hiểm của đại dịch COVID-19 do sự xuất hiện biến chủng mới. Đặc biệt, sau khi xuất hiện, biến chủng Delta đã nhanh chóng lan ra gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đông Nam Á hiện đang là khu vực có tỷ lệ tử vong cao nhất và điều nguy hiểm hơn, với tốc độ lây lan chóng mặt, biến chủng Delta được dự báo sẽ trở thành chủng vượt trội trên toàn cầu trong vài tháng tới.
Tại Việt Nam, biến chủng Delta là nguyên nhân chính khiến đợt dịch thứ 4 đang diễn phức tạp hơn nhiều so với những đợt dịch trước đây. Hiện, có rất nhiều ca nhiễm cũng như các chùm ca bệnh mới không xác định được rõ nguồn gốc. Do đó nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất cao.
Tính đến chiều nay ( 27/7), Việt Nam có tổng 114.260 ca mắc, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 112.057 ca mắc trong nước.
Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ đã chỉ rõ, Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở TPHCM. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một số cơ quan nhà nước và một bộ phận người dân chưa cao… Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành của người dân
Căn cứ tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố...; hạn chế nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người.
TPHCM đã trải qua hơn 55 ngày thực hiện giãn cách, từ Chỉ thị 15, đến Chỉ thị 10, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong tổng 114.260 ca mắc của cả nước, riêng TPHCM có tới 72.459 ca mắc. Tại nhiều cuộc họp lãnh đạo và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM gần đây đều chỉ rõ, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, có nguyên nhân từ việc không thực nghiêm việc giãn cách của một bộ phận người dân và việc kiểm soát của các cơ quan chức năng ngoài chặt trong lỏng. Ở một số địa bàn còn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau, nhiều người còn đi ra đường dù TP đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo đó, TPHCM đang tiếp tục đưa ra những quy định mới nhằm siết chặt các quy định giãn cách xã hội tại Chỉ thị 16 và xây dựng tới 3 kịch bản để dự liệu tình hình.
Tại Hà Nội, trong những ngày qua đã xuất hiện nhiều ổ dịch đáng lo ngại, số ca mắc trong cộng đồng vẫn tăng lên từng ngày, Hà Nội đã quyết định thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố về việc giãn cách xã hội từ ngày 24/7. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một ngày áp dụng Chỉ thị này, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 291 trường hợp và 5 cơ sở kinh doanh, với tổng số tiền 685 triệu đồng.
Không chỉ đối với 2 thành phố trung tâm như Hà Nội, TPHCM, tại các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng chức năng vẫn liên tục phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm các lỗi phổ biến như không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra ngoài khi không cần thiết, không giữ khoảng cách an toàn và tập trung đông người…
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ra đời và được áp dụng lần đầu tiên trong năm 2020, được cho là hình thức giãn cách xã hội cao nhất trong gần 2 năm chống dịch qua. Tuy nhiên, tại thời điểm cam go chưa từng phải đối diện như hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố linh hoạt mức độ giãn cách ở từng khu vực, đia phương “có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16” nhằm hạn chế nhiều hơn nữa sự tiếp xúc giữa người với người.
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn diện. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo, các biện pháp giãn cách xã hội chỉ thành công khi tất cả mọi người cùng đồng lòng và cùng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Việc kiểm soát virus SARS-CoV-2 lây lan không chỉ là vai trò của Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng để từ đó Việt Nam có thể một lần nữa chiến thắng được đại dịch COVID-19.
Mặc dù các lực lượng chống dịch vẫn đang dốc sức, nỗ lực hết mình nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đem lại sự bình yên cho đất nước. Nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa thực sự thấu hiểu, đồng lòng và chia sẻ. Vi phạm những quy định phòng, chống dịch bằng những thói quen ích kỷ, chỉ vì ý thích, đôi khi còn là ngẫu hứng chốc lát. Trong khi dẹp đi những thói quen, ý thích nhỏ nhặt là điều không quá khó với mỗi cá nhân, nhưng lại có thể giữ lại mạng sống, đem lại lợi ích về kinh tế cho cả cộng đồng.
Pháp luật, quy định được đưa ra trong một xã hội hiện đại vốn dĩ cũng chỉ để vạn vật và con người được vận hành theo một trật tự thống nhất, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hòa. Nhưng trong sự vận hành đó, con người luôn là chủ thể mà không tự nguyện, tự giác, thì quy định cũng chỉ giống như những thứ vô tri, sớm bị vô hiệu mà thôi.
Thế mới thấy, cho dù có áp dụng nghiêm Chỉ thị 16 và hơn thế nữa như là 16+, thì ý thức của mỗi cá nhân vẫn cần hơn bao giờ hết.
Vậy nên, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Trong cuộc chiến với đại dịch tàn khốc này, chỉ có một con đường dẫn đến thắng lợi là chúng ta phải cùng đồng lòng, sát cánh bên nhau. Nêu cao ý thức tự giác của một công dân có trách nhiệm lúc này không chỉ thể hiện sự trân quý sinh mạng của mỗi người và bất cứ ai, mà còn là lòng tự trọng tối thiểu; sự tôn trọng, cảm kích cần có của mỗi người đối với rất nhiều người đang vì ta mà xả thân không màng tính mạng.