Để nông thôn là nơi đáng sống, là nơi ta muốn quay về
Chính trị - Ngày đăng : 18:08, 27/07/2021
Sáng nay Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự đồng tình trước nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, mục tiêu cuối cùng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là làm sao nông thôn là nơi mà chúng ta đáng sống, nơi chúng ta đáng tìm đến và nơi chúng ta quay về. Hình ảnh xúc động những ngày COVID vừa rồi, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người từ các thành thị trở về nông thôn để tránh dịch, điều đó nói lên một cảm xúc cho chúng ta về nông thôn trong thời gian sắp tới.
Đánh giá Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 đã tổng kết đem lại những kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, Bộ trưởng tập trung giải trình hai vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm là sự trùng lắp của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và cơ cấu ngân sách dành cho Chương trình.
Theo đó, sau khi làm việc lại với 2 Bộ trưởng phụ trách hai Chương trình kia, các Bộ trưởng đã báo cáo trước Quốc hội sẽ không để trống các xã nông thôn mới, tức là Chương trình nông thôn mới phải phủ kín tất cả 63 tỉnh, thành, không để trống bất kỳ một địa phương nào. Nếu có chồng lấn thì mang tính chất tích hợp thêm những giá trị, nhất là những địa bàn khó khăn thì tạo thêm những giá trị để vượt qua.
Còn về cơ cấu ngân sách, nhất là đại biểu địa phương mong muốn rằng cơ cấu của Trung ương nhiều, cơ cấu của các địa phương giảm đi, do trong điều kiện các địa phương huy động các nguồn lực trước ảnh hưởng của dịch bệnh rất khó khăn. Bộ trưởng Hoan cho hay, vấn đề này Chính phủ đã cân nhắc và báo cáo UBTVQH trong điều kiện ngân sách Trung ương cũng đang ở tình trạng khó khăn do COVID thì chúng ta sẽ tạm chấp nhận cơ cấu đó. Trường hợp nguồn thu ngân sách tốt hơn, Chính phủ sẽ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tăng thêm nguồn lực.
Để giải quyết những bất cập của Chương trình giai đoạn trước, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thứ nhất, bên cạnh tiếp tục phát triển hạ tầng để tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với các tiện ích của đô thị, Chương trình giai đoạn tới sẽ chú trọng hơn những phần mềm, những giá trị mới.
Cụ thể là phải gắn kết được, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó cơ cấu lại nông nghiệp chính là động lực để xây dựng nông thôn mới là nền tảng và nông dân là chủ thể trong ba trụ cột nông nghiệp – nông thôn – nông dân.
Thứ hai là những giá trị mới, như xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt của nông thôn chúng ta. Cuối cùng, rút kinh nghiệm Chương trình lần trước, có lẽ chính đội ngũ ở lãnh đạo ở xã, nhóm lãnh đạo ở xã mới quyết định sự thành công để chuyển hóa được những phần mềm, những vấn đề mới vào.
“Bởi vì cán bộ huyện xuống rồi về, cán bộ tỉnh xuống rồi về, cán bộ trung ương xuống rồi về, ai là người gần gũi, thường xuyên hằng sáng hay ra đồng, buổi chiều, buổi tối cùng ngồi với bà con để thấu cảm với bà con, tìm những điểm nghẽn, điểm khó trong sản xuất, trong kinh doanh, trong kết nối thị trường với bà con để thay đổi những tập quán của bà con? Tôi nghĩ rằng sắp tới chúng tôi cũng sẽ có một chương trình tập huấn riêng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã để tiếp cận được những giá trị mới của Chương trình”, Bộ trưởng Hoan phân tích.
Trong phần thảo luận trước đó, các đại biểu cho rằng, chúng ta xác định nông dân là chủ thể của xây dựng nông thôn mới thì cần nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm của mình với cộng đồng, khơi dậy sự tự nguyện và đồng thuận của xã hội về xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị phải quan tâm đến giải pháp về nguồn lực, huy động nội lực trong nhân dân bởi trong xây dựng thôn mới, chúng ta xác định người dân là chủ thể. Ông cũng đề xuất Chính phủ nên nghiên cứu để hỗ trợ cân đối cho những địa phương còn phải cân đối ngân sách, thay bằng việc chỉ hỗ trợ cho những đơn vị còn phải cân đối ngân sách Trung ương từ 60% trở lên. Bởi vì trong những năm tiếp theo việc thu ngân sách nhà nước chắc chắn còn gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá và phân tích kỹ những vấn đề tồn tại, hạn chế cùng với những nguyên nhân được chỉ ra từ quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm về cơ chế phối hợp vận hành giữa các chủ thể thực hiện chương trình.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) băn khoăn cho rằng, cần xem lại liệu có chồng lấn về phạm vi giữa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, theo ông, đối với địa bàn có nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau cùng thực hiện thì cần phải xác định rõ nhiệm vụ của từng chương trình, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót để đảm bảo các mục tiêu đề ra.
Còn về đối tượng thụ hưởng các chính sách của các Chương trình mục tiêu quốc gia thì Chương trình xây dựng nông thôn mới, đối tượng thụ hưởng là nông dân, người dân sinh sống tại địa bàn khu vực nông thôn. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm, nghèo bền vững thì đối tượng thụ hưởng là người có chính sách nghèo, người nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế dễ bị tổn thương...
Như vậy, người nông dân, người nông thôn, người dân sinh sống tại khu vực có Chương trình mục tiêu quốc gia cần cân nhắc để hưởng một trong những chính sách cao nhất khi trùng lặp, tránh tình trạng hưởng nhiều chính sách cùng một mục tiêu.