Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản tại các tỉnh phía Nam trong đại dịch

Kinh tế - Ngày đăng : 19:58, 24/07/2021

Không chỉ các địa phương của khu vực phía Nam đang nỗ lực để điều phối nông sản, thực phẩm cho bà con vùng dịch ở phía Nam, mà các bộ, ngành liên quan cũng đang áp dụng nhiều biện pháp để có thể vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND gửi các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang; các Cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam liên quan việc sử dụng tàu cao tốc đường thủy để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, quyết định tổ chức việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản để bảo đảm phù hợp thẩm quyền và tình hình thực tế tại địa phương.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì tổng hợp nhu cầu sử dụng phương tiện thủy nội địa cao tốc thuộc địa bàn quản lý và phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam để triển khai các nhiệm vụ cần thiết theo thẩm quyền.

1(3).jpg
Tàu cao tốc chở khách triệu đô được tháo ghế để chuyên chở thực phẩm từ miền Tây về TP Hồ Chí Minh.

Các tỉnh, thành phố và các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa cao tốc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản cho TP Hồ Chí Minh và các địa bàn khác khi có nhu cầu, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh COVID-19. Và ngày 19/7, tàu cao tốc GreenlinesDP đã chở hai chuyến hàng với gần 40 tấn thực phẩm là rau củ, quả từ Tiền Giang cập bến Bạch Đằng (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Sau đó, toàn bộ số rau củ, quả này đã được vận chuyển lên xe tải rồi phân phối về hệ thống các cửa hàng để phục vụ cho người dân thành phố.

Ngoài ra, trước yêu cầu cấp bách về phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh phía Nam, “Tổ công tác đặc biệt” của Bộ Công Thương đã được thành lập trên cơ sở của Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh, trực tiếp phụ trách và chỉ đạo “Tổ công tác đặc biệt” này.

2(3).jpg

Người dân đi chợ Bình Thới, Quận 11 đi từ sớm, đảm bảo giãn cách xã hội.

Ngay khi thành lập, “Tổ công tác đặc biệt” của Bộ Công Thương đã họp với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng trao đổi cơ chế phối hợp cũng như các yêu cầu cấp bách để thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, Tổ công tác đặc biệt có trách nhiệm bám sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam.

Tổ này cũng có nhiệm vụ kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong và ngoài các địa phương phía Nam, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dịch; thực hiện điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác.

Tổ công tác đặc biệt cũng phối hợp với lực lượng chức năng tại các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; tham mưu, đề xuất hướng xử lý để báo cáo Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam.

3(2).jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đi kiểm tra nguồn cung hàng hóa tại các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương đã phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh đi khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cũng như chống dịch tại các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gồm: Chợ Bình Thới trên đường Lạc Long Quân, phường 10, quận 11; chợ Hạnh Thông Tây trên đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp và chợ Ba Bầu, trên đường Tô Ký, khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.

Nhằm “chia lửa” cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang quá tải hiện nay, thành phố cũng sẽ dần dần cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống ở trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch. Mỗi chợ sẽ không mở cửa lại toàn bộ mà chỉ lựa chọn một số tiểu thương có đủ năng lực tổ chức hoạt động với mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, thịt cá, để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Hiện đã có các chợ An Đông (Quận 5), chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 10), chợ Bình Thới (Quận 11) hoạt động trở lại.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương sẽ “bắt tay” thật chặt, để phối hợp nhằm đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Tại cuộc họp trực tuyến sáng 18/7 giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với các Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định, trong mọi tình huống hai ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, phối hợp và tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, tập trung thực hiện các nhiệm vụ. "Quan trọng là địa phương phải kê được cái gì mình có, cái gì mình thiếu, cần mua, cần bán, trên cơ sở đó Tổ công tác tiền phương và Ban chỉ đạo hai Bộ mới có thể điều tiết được", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các ngành giao thông, y tế, công an, quân đội làm tốt việc lưu thông phân phối, điều tiết hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt một cách kịp thời, cái gì cần bán phải kết nối nơi cần mua để giải quyết bài toán thừa - thiếu. Với vùng nuôi trồng bị đứt gãy chuỗi cung ứng phải báo cáo ngay với hai Bộ, trong trường hợp cần thiết kiến nghị huy động lực lượng quân đội tại chỗ, sẵn sàng.

Như vậy, đến thời điểm này, các bộ ngành, địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo tốt nhất cho việc phân phối hàng hoá, nông sản, thực phẩm thiết yếu cho bà con vùng dịch phía Nam; không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian giãn cách xã hội cũng như khi tình hình dịch COVID-19 vẫn còn đang tiếp diễn.

Tuấn Phong