Tài chính cuối năm gánh áp lực lạm phát và nợ xấu

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 11:15, 24/07/2021

Việc kiểm soát lạm phát và tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.

Báo cáo của Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho rằng, hai rủi ro đối với ngành ngân hàng vào cuối năm được nêu lên là câu chuyện của lạm phát và nợ xấu tiềm tàng vì dịch bệnh COVID-19.

no-xau-tang-1.jpg
Tài chính cuối năm gánh áp lực lạm phát và nợ xấu

NHNN đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn tiến như hiện nay, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 8 của NHNN ngày 24/2/2021.

Theo đó, Ủy ban kinh tế của Quốc hội lưu ý các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4/2021 là 1,78%).

Nợ xấu tín dụng các dự án BOT, BT giao thông giảm so với cuối năm 2020, tuy nhiên chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48% và hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính.

Về tình hình lạm phát, hiện nay, mức lạm phát mục tiêu là khoảng 4% được Quốc hội và Chính phủ đề ra cho năm 2021. Mặc dù lạm phát được nhiều tổ chức, đơn vị nghiên cứu dự báo là vẫn ổn định trong năm nay (dự báo quanh mức 3-3,88%), nhưng NHNN cho rằng rủi ro gia tăng lạm phát trên thế giới ngày càng tăng nên không thể chủ quan với áp lực lạm phát, chuẩn bị phương án điều hành (có tính đến độ trễ chính sách) nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến.

Tương tự, chuyên gia của SSI Research cũng cho rằng, nếu nhìn vào con số thì lạm phát Việt Nam nửa đầu năm thấp nhất từ trước tới nay, ngược lại với tình hình thế giới. Tuy nhiên, theo chuyên gia của SSI Research, cũng cần phải lo lắng về lạm phát nửa cuối năm. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III và có sự mở cửa nội địa trong quý IV thì giá các mặt hàng lương thực - thực phẩm sẽ tăng trở lại vào quý III và lạm phát sẽ tăng vào quý IV. Như vậy, áp lực lạm phát là hiện hữu và có thể cao hơn vào nửa cuối năm.

Vì vậy, cơ quan quản lý đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2022. Trên cơ sở này, NHNN sẽ điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và năm 2022; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn vay.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, trong tuần trước, NHNN cũng đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Các tiêu chí để điều chỉnh được đánh giá dựa trên tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD. NHNN cũng ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, nhìn chung tăng trưởng tín dụng trong đợt này được nới thêm từ 2-6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới ước khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu.

Trang Nhi