Trùm gỗ lậu Hà “đen” nhiều lần đe dọa lực lượng kiểm lâm

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 15:30, 15/07/2016

Xác định đường dây phá rừng do “trùm gỗ lậu” Hà “đen” cầm đầu, Bộ Công an kiểm tra hàng loạt công ty, xưởng gỗ lớn ở Lâm Đồng, Bình Phước có dấu hiệu liên quan.

Thống kê số lượng cây rừng bị triệt hạ để làm cơ sở xử lý

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng vừa cho biết, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với VKSND và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an khám nghiệm hiện trường vụ khai thác rừng trái phép tại khu vực dự án thủy điện Đồng Nai 5 (thuộc thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) và nơi tập kết gỗ trái phép tặc tại tiểu khu 390.

Trùm gỗ lậu Hà “đen” nhiều lần đe dọa lực lượng kiểm lâm

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn (Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng)

“Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Văn Hà (48 tuổi, biệt danh Hà “đen”, quê tỉnh Nghệ An) là kẻ cầm đầu các nhóm lâm tặc vừa bị Bộ Công an triệt phá. Hiện Hà “đen” đã bỏ trốn và đang bị truy bắt. Các nhóm lâm tặc dưới trướng của Hà “đen” phần lớn quê ở Hà Tĩnh và Quảng Bình”, Thiếu tướng Sơn cho hay.

Thiếu tướng Sơn cho biết thêm: “Nhiệm vụ của các tổ khám nghiệm hiện trường phải xác định được loại rừng (rừng phòng hộ hay rừng sản xuất) và thống kê số lượng cây rừng bị triệt hạ, loại nhóm gỗ... để làm cơ sở khởi tố và xử lý các bị can sau này”.

Phải xử lý “vắng chủ” vì lâm tặc “bỏ của chạy lấy người”

Theo ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, đơn vị này đã huy động hơn 20 cán bộ để tham gia việc khám nghiệm hiện trường cùng cơ quan điều tra. Các tổ kiểm tra phải đi xuồng qua hồ thủy điện rồi theo đường mòn vượt núi cheo leo mới đến được hiện trường, nơi rừng bị triệt hạ.

“Vào đêm 9/7, có những tổ công tác ngủ lại giữa rừng để ngày 10, 11/7 tiếp tục việc kiểm nghiệm hiện trường. Do địa bàn rộng, đường đi hiểm trở và số lượng cây rừng bị triệt hạ lớn nên việc khám nghiệm hiện trường được chia làm nhiều tổ và dự kiến phải kéo dài thêm 2 ngày nữa mới xong”, ông Thiên nói.

Cũng theo ông Thiên, rừng phòng hộ quanh khu vực thủy điện Đồng Nai 5 do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc quản lý. Thời gian qua, nhiều lần lực lượng kiểm lâm và chủ rừng phát hiện việc khai thác và vận chuyển gỗ lậu nhưng khi đến nơi thì lâm tặc bỏ của chạy lấy người nên đành phải xử lý “vắng chủ”.

“Không ít lần Hà “đen” hăm dọa lực lượng kiểm lâm tuần tra rừng và đòi giết chết cả Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động số 2 của tỉnh”, ông Thiên nhấn mạnh.

Ông Trương Hoài Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Hiện Bộ Công an cùng với lực lượng chức năng đã phối hợp với Công an tỉnh, huyện bắt giữ 4 đối tượng cầm đầu, tạm giữ nhiều đối tượng khác để điều tra, riêng Hà “đen” đã kịp thời tẩu thoát”.

Cũng trong sáng 11/7, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho hay đơn vị này vừa phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh bắt quả tang Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ Thu Hà (QL14, khu Đức Thọ, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, do ông Đinh Bá Chò làm người đại diện theo pháp luật) đang tàng trữ 238,7 m3 gỗ tròn (từ nhóm 2 đến nhóm 8).

Trong đó, có 219,4 m3 gỗ loại tròn, vuông hộp có nguồn gốc giấy tờ, còn lại hơn 19,3 m3 (gồm 170 gỗ hộp với đủ chủng loại bằng lăng, dầu gió, sao... có đường kính từ 25 - 35 cm, dài từ 2 - 4 m) không có dấu búa kiểm lâm, giấy tờ hợp pháp. Số gỗ này được Công ty Thu Hà trộn lẫn vào số gỗ có giấy tờ hợp pháp để che mắt cơ quan chức năng. Hiện toàn bộ tang vật bị tạm giữ để tiếp tục xác minh làm rõ.

Bên cạnh đó, thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, cơ quan này cũng phát hiện nhiều công ty, xưởng gỗ lớn ở TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) có mua gỗ lậu của Hà “đen”.

Có mặt tại hiện trường, PV cùng đoàn kiểm tra phải đi hết một ngày đường bởi nơi đây thuộc khu vực vô cùng hiểm trở.

Từ khu vực lán trại của nhóm lâm tặc (được lập gần đập chính thủy điện Đồng Nai 5), để đến được hiện trường, lực lượng chức năng phải mất gần 1 giờ di chuyển bằng ca nô, xuồng máy trên lòng hồ.

Sau đó, đoàn phải đi bộ hơn 1 giờ nữa trên con đường dốc dựng đứng và cực kỳ khó đi vì trơn trượt do những ngày gần đây liên tiếp có mưa mới đến điểm đầu tiên, nơi có những cây dỗi cổ thụ bị triệt hạ.

Gỗ sau khi xẻ thành hộp dài từ 3- 4m sẽ được thả “trôi” theo đường mòn dựng đứng từ trên rừng xuống mép nước của lòng hồ thủy điện.

Tại đây, xuồng của lâm tặc sẽ đợi sẵn để kéo gỗ xuôi theo lòng hồ thủy điện về lán trại tập kết và đưa đi tiêu thụ. Tại điểm đầu tiên, 2 gốc dỗi với đường kính trên dưới 1 m nằm cạnh nhau đã bị các đối tượng đốn hạ trước đó không lâu. Tại đây, các cơ quan chức năng đã tiến hành định vị, xác định tọa độ, đo đường kính và chiều cao gốc.

Cả hai cây này đều được cưa thành nhiều khúc với chiều dài mỗi khúc từ 3,5 - 4m. Sau khi xẻ lấy gỗ hộp, hàng chục phách gỗ bìa bị bọn lâm tặc bỏ lại hiện trường. Phải đến chiều tối 11/7, lực lượng chức năng mới cơ bản hoàn tất việc kiểm đếm số cây bị lâm tặc triệt hạ.

 

Nhóm PV