Dính bê bối, đạo diễn lễ khai mạc Olympic Tokyo bị sa thải
Thể thao - Ngày đăng : 07:39, 23/07/2021
Ông Kobayashi đang ở trung tâm một vụ bê bối sau khi tổ chức phi chính phủ Trung tâm Simon Wiesenthal lên án các tuyên bố bài Do Thái trong một số hài kịch trước đây của đạo diễn, đặc biệt là đề xuất "đóng kịch Holocaust" trong một tiết mục của ông.
Thông cáo báo chí của Ban tổ chức Thế vận hội nêu rõ, “trong các tiết mục trước đây của mình, ông Kentaro Kobayashi đã sử dụng những từ ngữ, khi mà những sự thật đau lòng trong quá khứ lại trở thành chủ đề cười đùa”. Đáp lại, ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo đã quyết định loại bỏ ông Kobayashi khỏi vai trò đạo diễn lễ khai mạc và bế mạc, bắt đầu từ ngày 22/7.
Quyết định trên được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông Nhật Bản bất ngờ đăng trở lại một đoạn trích vở hài kịch năm 1998, trong đó ông Kentaro Kobayashi đã có một câu nói đùa về thảm họa diệt chủng người Do Thái, làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ trong nước và quốc tế.
Về phần mình, Trưởng Ban tổ chức Thế vận hội Seiko Hashimoto đã xin lỗi liên quan đến vụ việc. "Chúng tôi thành thật xin lỗi vì sự bất tiện đã gây ra", hãng tin Kyodo dẫn lời bà Hashimoto.
Bà Hashimoto nhấn mạnh rằng "toàn bộ lễ khai mạc hiện đang được xem xét lại và đang thảo luận hành động tiếp theo."
Về phần mình, đạo diễn Kobayashi đã đưa ra lời xin lỗi vì những lời nói của mình 20 năm trước.
“Rõ ràng là ở một trong những video được trình diễn vào năm 1998 dành cho khán giả trẻ tuổi, trong số những cụm từ tôi viết hồi đó, có những cách diễn đạt hoàn toàn không phù hợp. Công việc của một diễn viên hài không nên mang lại cảm xúc khó chịu cho người xem. Tôi thừa nhận rằng cách diễn đạt mà tôi lựa chọn ấy là ngu ngốc. và tôi thành thật lấy làm tiếc. Tôi thành thật xin lỗi”.
Olympic Tokyo 2020, một kỳ Thế vận hội mùa Hè đặc biệt nhất trong lịch sử thể thao thế giới, chính thức khai mạc vào lúc 20h ngày 23/7 (giờ Nhật Bản, 18h giờ Việt Nam).
Bị hoãn đúng 1 năm do dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới, Olympic Tokyo 2020 bắt đầu trở lại bằng lễ khai mạc vào ngày 23/7/2021 và vẫn giữ nguyên tên gọi. Đây là kỳ Thế vận hội có số môn thi đấu kỷ lục, 33 môn với 339 nội dung, tương đương 339 bộ huy chương được trao cho các VĐV.
Diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang chung tay chống lại đại dịch COVID-19, khẩu hiệu (slogan) của phong trào Olympic “Nhanh hơn - Cao hơn- Mạnh hơn” (tiếng Anh: Faster - Higher - Stronger) được bổ sung từ “Together” (cùng nhau) để thành: “Nhanh hơn - Cao hơn- Mạnh hơn - Cùng nhau”.
Tại kỳ Đại hội lần này, tinh thần chung tay đoàn kết còn được IOC thể hiện bằng việc lần đầu tiên tại lễ khai mạc, mỗi đoàn thể thao tham dự có 2 VĐV cầm quốc kỳ trong phần diễu hành.
Bên cạnh đó, với nỗ lực bảo vệ an toàn dịch bệnh cho tất cả các đoàn thể thao, Ban Tổ chức đã ban hành những biện pháp tối đa: Thành viên các đoàn thể thao phải có chứng nhận âm tính với COVID-19 còn hiệu lực mới được nhập cảnh; xét nghiệm hằng ngày trước khi luyện tập, trước mỗi trận đấu; tất cả các hoạt động tuân thủ nguyên tắc “bong bóng” tại làng VĐV…
Ban Tổ chức cũng không cho phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng mà phải tuân theo lịch trình đã đăng ký trước. Tại khu vực nhà ăn, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, mọi người được phát găng tay riêng để lấy thức ăn…
Mặc dù Olympic 2020 diễn ra trong lúc thủ đô Tokyo đang ở trong tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19, đã có một số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở các VĐV, thành viên đoàn thể thao, nhưng Ban Tổ chức vẫn tin tưởng Thế vận hội sẽ diễn ra thành công.