Gia tăng tự động hóa giúp doanh nghiệp khối sản xuất vượt COVID-19

Kinh tế - Ngày đăng : 16:32, 22/07/2021

Dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang bị tác động rất lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất. Do đó, để giải quyết bài toán về nhân lực, chất lượng sản phẩm… tự động hóa là giải pháp tối ưu trong sản xuất, kinh doanh, nhất là vào thời điểm dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Thực tế, các DN đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa - một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để các đơn vị sản xuất gia tăng sức chịu đựng những áp lực của thị trường về chất lượng, vận chuyển nhanh, cũng như giảm số người lao động cho DN.

Tự động hóa - “chìa khóa” phát triển của doanh nghiệp sản xuất

Theo nhiều đơn vị sản xuất, công nghệ tự động hóa kết nối trên nền tảng internet đang dần thay thế người lao động tại các dây chuyền sản xuất và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm. Điều này giúp tiết kiệm sức lao động, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Trong thời kỳ dịch bệnh, một số doanh nghiệp phải thực hiện giãn cách, đảm bảo an toàn cho người lao động, gia tăng tự động hóa đã giải quyết giúp doanh nghiệp rất lớn trong khâu sản xuất khi thiếu nhân công.

1.jpeg

Tự động hóa giúp doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ví dụ như tại các doanh nghiệp dệt may, điển hình là Công ty TNHH Việt Thắng Jean, hệ thống thiết bị công nghệ mới được đầu tư của Việt Thắng đã thay thế vị trí của 800 công nhân. Theo tính toán, trung bình một máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao trong may mặc có thể thay thế cho 49 công nhân may thủ công. Ngoài ra, nếu theo công nghệ cũ, để cho ra đời một chiếc quần jean thành phẩm thì mất 13 phút, còn hiện nay, với công nghệ lập trình trên máy, chỉ cần chưa tới 10 giây để tạo ra một sản phẩm.

Hiện có 30% DN lớn ngành dệt may ứng dụng công nghệ tự động hóa cho từng công đoạn trong sản xuất.

Không chỉ ngành dệt may, DN nông nghiệp công nghệ cao đang đóng vai trò trung tâm trong ứng dụng khoa học công nghệ, tự động vào sản xuất nông nghiệp để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản.

Nhiều DN chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình đã và đang được triển khai nhân rộng, mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; ứng dụng công nghệ thâm canh, sản xuất an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng bảo vệ sản phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh; ứng dụng công nghệ máy móc, thiết bị cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất…

Hay như Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã tiến hành chuyển đổi số bắt đầu từ tự động hóa các dây chuyền sản xuất ở các nhà máy, rồi từng bước thay đổi quy trình, công nghệ, quản trị và đạt được những thành công đáng kể. Hiện nay, Thaco vẫn đang trong lộ trình chuyển đổi số ở cả 5 lĩnh vực đầu tư gồm: ô tô, nông nghiệp, xây dựng, logistics và thương mại dịch vụ.

Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, những DN chủ động ứng dụng KHCN, tự động hóa có tỷ lệ tồn tại rất cao, ít tổn thương hơn. Thậm chí, nhiều DN đã cho thấy tính chủ động và năng lực đổi mới, nhanh chóng nghiên cứu, triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế mới.

Vượt “bão” COVID-19 nhờ tự động hóa

Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới từng nhận định: “Đại dịch chính là cơ hội để doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ mới và nâng cấp mô hình kinh doanh. Ví dụ, việc phong tỏa người lao động có thể khuyến khích doanh nghiệp tự động hóa một số chức năng nhất định, khuyến khích số hóa và sử dụng các nền tảng trực tuyến… và thúc đẩy thương mại điện tử”.

Trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp hàng đầu đang hướng tới xây dựng mô hình nhà máy thông minh với đầy đủ các chức năng, không cần nhân viên túc trực, giúp sản lượng sản xuất không bị gián đoạn trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch. Những nhà máy này giảm được số lượng công nhân cần thiết vì hầu hết các nhiệm vụ đơn giản đều được tự động hóa, điều khiển từ xa. Sẽ không ngạc nhiên khi các tổ chức bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch COVID-19 thời gian qua là những tổ chức đã có quy trình tự động hóa tốt nhất.

2.png

Gia tăng tự động hóa giúp doanh nghiệp khối sản xuất vượt COVID-19.

Đẩy mạnh các giải pháp “tự động hóa” là mục tiêu mà công nghệ 4.0 hướng tới trong đại dịch. Việc cung cấp giải pháp tự động hóa cho một số ngành sản xuất và nhiều lĩnh vực liên quan khác để thu thập, chuyển giao, lưu trữ, phân tích, theo dõi hệ thống thông tin một cách phù hợp, đẩy nhanh quá trình sản xuất là điều cần được ưu tiên.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, nên xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 đang được đẩy nhanh chưa từng thấy, tạo được nhiều đột phá trong thời gian qua. Quy trình làm việc từ xa và tự động hóa không còn là mục tiêu mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết, giúp các doanh nghiệp bảo tồn và tăng doanh thu trong thời dịch bệnh.

Có thể khẳng định, để vượt qua thách thức hiện tại, thúc đẩy tự động hóa trong sản xuất là điều tất yếu đối với các doanh nghiệp không chỉ trong thời COVID-19 mà ở bất cứ thời điểm nào. Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, tự động hóa và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường thì đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trang Nhi