Phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để Lạng Sơn phát triển

Đời sống - Ngày đăng : 20:24, 21/07/2021

Phát triển kinh tế số trong thời điểm hiện nay là cơ hội to lớn để Lạng Sơn phát triển, quyết tâm hành động, cùng với cả nước bước vào một kỷ nguyên mới là kỷ nguyên số, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định.

Kinh tế số là con đường nhanh nhất phát triển nông nghiệp Lạng Sơn

Lạng Sơn là cửa ngõ giao thương quan trọng với nước ngoài, là nơi mà nhiều loại hàng hóa nông sản cả nước xuất khẩu với giá trị trên 1 tỷ USD/năm. Mặc dù kim ngạch này không lớn nhưng lại là nguồn sống của hàng triệu hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nhất là ở các tỉnh miền núi trên cả nước.

Xác định được Lạng Sơn có vai trò, vị trí là đột phá những điểm nghẽn trong việc mở ra thị trường ổn định cho nông sản địa phương cũng như của cả nước. Tỉnh Lạng Sơn đã quyết tâm phát triển kinh tế số cho nông nghiệp nông thôn kết hợp với khơi thông dòng chảy thương mại bằng cửa khẩu số.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Lạng Sơn sẽ phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số. Về phát triển kinh tế số, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 50%.

UBND tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu trong năm 2021, 50% hộ gia đình, tương đương với khoảng 100.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.

anh-1(2).jpg
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: “Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nhận thức sâu sắc phát triển kinh tế số trong thời điểm hiện nay là cơ hội to lớn để Lạng Sơn phát triển, quyết tâm hành động, cùng với cả nước bước vào một kỷ nguyên mới là kỷ nguyên số”.

Để đạt được những mục tiêu đó. Từ trung tuần tháng 6/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Chi Lăng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel triển khai thí điểm kinh tế số, cửa hàng số tại địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Đến nay kết quả đã vượt chỉ tiêu đề ra với trên 1.000 cửa hàng số của các gia đình đã được thiết lập.

Sau 2 tuần triển khai thử nghiệm, từ ngày 18/6/2021 đến 02/7/2021, các hộ dân trên địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng cơ bản đã được nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo cách làm truyền thống, tiên phong ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số.

Đã có 1.062 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm nông sản của mình, trong đó có 301 hộ gia đình đã mở tài khoản thanh toán điện tử. Thông qua cửa hàng số, người dân Lạng Sơn đã có thể mua và bán sản phẩm của mình trên không gian mạng.

Theo số liệu từ Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn, Viettel Post đã hỗ trợ 395 hộ gia đình tại xã Chi Lăng mở cửa hàng số trên sàn Vỏ Sò, đạt 31,6% tổng số hộ gia đình của xã này. Với Vietnam Post, doanh nghiệp này đã giúp cho 667 hộ gia đình ở thị trấn Chi Lăng có cửa hàng số trên sàn Postmart, đạt 43% tổng số hộ gia đình trên địa bàn. Số lượng hộ gia đình được Viettel Post và Vietnam Post hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử lần lượt là 187 và 114 hộ.

Đáng chú ý, số lượng cửa hàng số phát triển được trong 15 ngày thử nghiệm đã gấp gần 5 lần tổng số gian hàng của các hộ nông dân Lạng Sơn đã mở trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò trong gần 3 năm trước đó.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1, từ ngày 20/7 đến 20/9, Lạng Sơn sẽ tập trung phát triển kinh tế số trên địa bàn 5 huyện gồm Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn và Văn Quan. Mục tiêu sẽ đạt 47.000 hộ dân có cửa hàng số và thanh toán điện tử. Thời gian này, kinh tế số sẽ tập trung vào 02 sản phẩm là Na Chi Lăng và Hồng giòn không hạt với sản lượng khá lớn: Na Chi Lăng dự kiến có khoảng 35.000 - 40.000 tấn, sản phẩm Hồng giòn không hạt khoảng trên 10.000 tấn.

Giai đoạn 2, từ ngày 20/9 đến ngày 20/12, sẽ tiếp tục phát triển kinh tế số trên địa bàn các huyện, thành phố còn lại. Tỉnh đặt ra mục tiêu ngay trong năm nay 50% hộ gia đình, tương đương với khoảng 100.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử. Giai đoạn 2 là mùa vụ của nhiều nông sản có giá trị như Hồi, Quýt, Thạch đen, các loại rau quả đặc sản,...

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm

Là một tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đã phấn đấu đạt chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin có mức phát triển cao: Năm 2018 đứng thứ 32/63 tỉnh,TP; năm 2019 đứng thứ 22/63; năm 2020 đứng thứ 21/63. Chỉ số xây dựng Chính quyền điện tử năm 2020 đứng thứ 26/63 tỉnh, TP.

Cũng trong 02 tháng qua, Lạng Sơn là tỉnh thứ 3 hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử với thời gian 30 ngày. Hoàn thành và cung cấp bản đồ số dịch tễ COVID-19 chỉ trong 02 ngày. Hoàn thành thí điểm kinh tế số cấp xã chỉ trong 2 tuần từ 18/6/2021 đến 02/7/2021.

Từ kết quả, kinh nghiệm này có thể thấy, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là bước đi tốn kém ít nhất để đạt được rất nhiều thành quả to lớn và trong một thời gian nhanh nhất. Đối tượng hưởng lợi sớm nhất, nhiều nhất là người dân và doanh nghiệp và cao hơn nữa là chúng ta xây dựng được một xã hội số phát triển, văn minh, công bằng, minh bạch và thịnh vượng.

anh-2(3).jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cùng một số đại diện khách mời ấn nút chính thức ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021, ngày 20/7/2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nông lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với 23,2%. Toàn tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố; có 03 huyện nghèo, có 88 xã đặc biệt khó khăn. Dân số toàn tỉnh gần 80 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 84%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 43,4 triệu đồng/năm, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Lĩnh vực có ưu thế của Lạng Sơn là dịch vụ, chiếm 50% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, thương mại dịch vụ phát triển chưa bền vững vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực, môi trường pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa phát triển, chính sách của các nước. Đặc biệt, trong xu thế quan hệ đối ngoại kinh tế chịu nhiều tác động, thách thức về công nghệ thì việc chậm phát triển kinh tế số là một trở ngại lớn mà Lạng Sơn cần khẩn trương đi trước để theo kịp được tiến bộ của thời đại.

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, với lịch sử lâu đời của vùng đất cửa ngõ - phên dậu của Tổ quốc. Với kinh nghiệm trên 30 năm mở cửa, quan hệ kinh tế với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với nước ngoài, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nhận thức sâu sắc phát triển kinh tế số trong thời điểm hiện nay là cơ hội to lớn để Lạng Sơn phát triển, quyết tâm hành động, cùng với cả nước bước vào một kỷ nguyên mới là kỷ nguyên số.

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược, giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số cũng giúp tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, vì sử dụng công nghệ, tri thức hơn là tài nguyên, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra nhiều cơ hội cho người dân hơn. Công nghệ số là không biên giới nên sẽ làm giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

“Tỉnh Lạng Sơn xác định và lựa chọn phương án phát triển kinh tế số từ việc nhỏ nhất nhưng có tính bao trùm, đại diện, phổ quát nhất để có những kinh nghiệm quý, bài học hay trong quá trình chuyển đổi số tổng thể và toàn diện”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hồ Tiến Thiệu, cùng với cả nước, Lạng Sơn xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng, xã hội.

“Do đó, trong tháng 8/2021 UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những chỉ tiêu rất cụ thể, trong đó nhiệm vụ phát triển kinh tế số đặt ra chỉ tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu thông tin.

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới có nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia, có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, là nơi xuất khẩu nhiều hàng hóa nông lâm sản của cả nước. Về văn hóa xã hội, Lạng Sơn là có một truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em cùng chung sống. Lạng Sơn còn có tài sản vô hình quan trọng rất giá trị trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đó là thương hiệu Xứ Lạng đã trở thành tình cảm, niềm tin, uy tín đối với nhân dân trong cả nước. Đây là những nguồn lực hết sức mạnh mẽ, cạnh tranh, bảo đảm cho việc sản xuất, cung cấp, tiêu thụ những nông sản có giá trị của tỉnh Lạng Sơn trên không gian số.

Việt Bắc