Lạng Sơn ra quân phát triển kinh tế số

Đời sống - Ngày đăng : 10:18, 20/07/2021

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, ngày 20/7/2021, tại UBND huyện Chi Lăng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021.

Tham dự Lễ ra quân có ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; bà Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và đại diện lãnh đạo UBND một số huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn…

Theo dự thảo Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Lạng Sơn sẽ phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số. Về phát triển kinh tế số, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 50%.

anh-1-4-.jpg
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn.

UBND tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu trong năm 2021, 50% hộ gia đình, tương đương với khoảng 100.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ triển khai từ ngày 20/7 đến 20/9, tập trung phát triển kinh tế số trên địa bàn 5 huyện gồm Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn và Văn Quan. Giai đoạn 2 diễn ra từ ngày 20/9 đến ngày 20/12, tiếp tục phát triển kinh tế số trên địa bàn các huyện, TP còn lại.

Theo Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn, trước khi triển khai trên diện rộng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở TT&TT chủ trì triển khai thử nghiệm 2 tuần (từ ngày 18/6/2021  đến 2/7/2021) tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng.

Cụ thể, Viettel Post đã hỗ trợ 395 hộ gia đình tại xã Chi Lăng mở cửa hàng số trên sàn Vỏ Sò, đạt 31,6% tổng số hộ gia đình của xã này. Với Vietnam Post, doanh nghiệp này đã giúp cho 667 hộ gia đình ở thị trấn Chi Lăng có cửa hàng số trên sàn Postmart, đạt 43% tổng số hộ gia đình trên địa bàn. Số lượng hộ gia đình được Viettel Post và Vietnam Post hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử lần lượt là 187 và 114 hộ.

Vietnam Post và ViettelPost không những được giao chỉ tiêu cụ thể trong việc hướng dẫn các hộ gia đình mở cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, mà còn được yêu cầu xây dựng quy trình nhận, vận chuyển cho các hộ khi phát sinh đơn hàng. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp còn có trách nhiệm phát triển người mua sản phẩm nông sản Lạng Sơn trong và ngoài tỉnh.

Đáng chú ý, số lượng hơn 1.000 cửa hàng số phát triển được trong 15 ngày thử nghiệm đã gấp gần 5 lần tổng số gian hàng của các hộ nông dân Lạng Sơn đã mở trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò trong gần 3 năm trước đó.

Từ số liệu của Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn cho thấy, trong thời gian triển khai thử nghiệm phát triển kinh tế số tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, đã có 1.062 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm nông sản. Trong đó, có 301 hộ gia đình đã mở tài khoản thanh toán điện tử. Thông qua cửa hàng số, người dân Lạng Sơn đã có thể mua và bán sản phẩm trên không gian mạng.

Đặc biệt, hơn 1.000 hộ gia đình có cửa hàng số ở xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng đều đã nhận biết được lợi ích của việc đưa sản phẩm lên cửa hàng số. Mặc dù chưa phải vào vụ thu hoạch các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương song nhiều hộ đã có những đơn hàng đầu tiên. Qua các sàn Vỏ Sò, Postmart, hiện người tiêu dùng cả nước đã có thể đặt mua nhiều loại nông sản, đặc sản của Lạng Sơn như na, thạch đen, hoa hồi... 

Thông qua triển khai thử nghiệm, các hộ dân cơ bản đã được nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Đây là một trong những địa phương tiên phong ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số.

Phát biểu tại Lễ ra quân, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết, với lịch sử lâu đời của vùng đất cửa ngõ - phên dậu của Tổ quốc. Với kinh nghiệm trên 30 năm mở cửa, quan hệ kinh tế với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với nước ngoài, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nhận thức sâu sắc phát triển kinh tế số trong thời điểm hiện nay là cơ hội to lớn để Lạng Sơn phát triển, quyết tâm hành động, cùng với cả nước bước vào một kỷ nguyên mới là kỷ nguyên số. 

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược, giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số cũng giúp tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, vì sử dụng công nghệ, tri thức hơn là tài nguyên, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra nhiều cơ hội cho người dân hơn. Công nghệ số là không biên giới nên sẽ làm giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tỉnh Lạng Sơn xác định và lựa chọn phương án phát triển kinh tế số từ việc nhỏ nhất nhưng có tính bao trùm, đại diện, phổ quát nhất để có những kinh nghiệm quý, bài học hay trong quá trình chuyển đổi số tổng thể và toàn diện.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, một trong ba đột phá chiến lược là “xây dựng hạ tầng kết cấu đồng bộ, trong đó nhấn mạnh một yếu tố rất mới đó là “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, cùng với cả nước, Lạng Sơn xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng, xã hội. 

Do đó, trong tháng 8/2021 UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những chỉ tiêu rất cụ thể, trong đó nhiệm vụ phát triển kinh tế số đặt ra chỉ tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%.

Để việc triển khai thực hiện đạt kết quả, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu mong muốn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tỉnh Lạng Sơn trong quá trình triển khai phát triển kinh tế số. Kịp thời ban hành và tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế chính sách để phát triển kinh tế số ở các địa phương miền núi, biên giới, nhất là các tỉnh có cửa khẩu.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cơ quan quản lý của tỉnh trong từng lĩnh vực. Bố trí các đầu mối hỗ trợ kịp thời cho địa phương trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cần có một môi trường mở và bảo đảm tính kết nối. Rất mong các Bộ, ngành quan tâm chỉ đạo để việc phát triển kinh tế số của Lạng Sơn trở thành mối quan tâm chung của nhiều địa phương trong cả nước.

anh-2-2-.jpg
Lạng Sơn hướng tới mục tiêu cứ 2 hộ gia đình có 1 cửa hàng số.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP cần nâng cao nhận thức và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, là trách nhiệm của từng ngành, từng lĩnh vực, của từng cán bộ, đảng viên để từ đó tạo nên một khí thế chung trong triển khai thực hiện.

Bố trí các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số một cách đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả. Trước mắt là tạo mọi điều kiện để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn 5 huyện phát triển kinh tế số một cách thuận lợi nhất, ổn định nhất trong thời gian nhanh nhất.

Khẩn trương nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ công nghệ số để áp dụng vào thực tiễn, nhất là lĩnh vực nông

nghiệp, nông thôn, phục vụ hiệu quả cho tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.

Quan tâm sâu sát đến việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, khả năng tương tác của người dân đối với phát triển kinh tế số, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của người dân, doanh nghiệp. Có biện pháp chấn chỉnh, uốn nắn các vấn đề phát sinh. Động viên, khen thưởng kịp thời các nhân tố mới, tích cực, nhất là những người dân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, Viettel Lạng Sơn, Bưu điện tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, TP và các cơ quan liên quan, bố trí tối đa lực lượng đến địa bàn triển khai phát triển kinh tế số, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình tạo cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn các hộ gia đình mua và bán sản phẩm trên cửa hàng số.

Việt Bắc