Khai thác vàng ở Bãi Kịt: Tử thần chờ phía trước
Đời sống - Ngày đăng : 09:13, 20/07/2021
Để vào Bãi Kịt (Bá Thước, Thanh Hóa) cách duy nhất là đi bộ. Cung đường uốn lượn, nhấp nhô đá tai mèo nhọn hoắt sẵn sàng làm rách da, nát thịt. Dọc hai bên là những cây gai, rắn rết và vắt rừng nhiều vô kể. Chỉ cần có hơi ẩm thì vắt sẽ tấn công, bao vây lấy người mà hút máu. Đó còn là sốt rét do muỗi vằn tấn công khiến những thân thể đã suy nhược do đào đãi, ăn uống kham khổ sẽ bị đánh sập. Cộng thêm địa hình khai thác vàng trái phép thường là các lòng chảo nên rất dễ có lũ ống lũ quét xảy ra. Mùa hè, mưa thường rất sẵn ở vùng này. Chỉ trong tích tắt có thể bị nước cuốn trôi ra sông mà chưa kịp trăn trối. Trong khu vực này chưa có điện lưới và sóng điện thoại, khi xảy ra chuyện bất trắc sẽ rất khó ứng cứu.
Bỏ ngoài tai tất cả, những kẻ liều mình vẫn lao vào Bãi Kịt tìm vàng. Các đối tượng chia nhỏ máy sàng hàng trăm kg ra thành nhiều mảng để dễ bề vận chuyển. Máy phát điện, máy bơm nước cũng được thuê người đưa vào một cách tài tình. Và để triển khai được việc đào đãi thì phải có cả đường ống dẫn nước. Các tốp được chia ra thành 5- 7 người lỉnh kỉnh mang theo nồi niêu, bát đũa và trang bị cả "hàng nóng" để tránh trường hợp bị cướp lẫn nhau.
Theo lời ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban quản lý KBTTN Pù Luông cho hay: “Các đối tượng đào đãi vàng trái phép thường có tiền án tiền sự ở các địa phương khác như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình… Hoạt động thành từng nhóm, khi có động sẽ bỏ chạy lên rừng hoặc chống trả quyết liệt với cơ quan chức năng. Hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chúng lại tụ tập để vào rừng đào vàng. Nhóm này đi tới đâu sẽ xâm hại tới rừng đến đó vì phải làm lán trại, đào đãi đất và hủy hoại môi trường. Bãi Kịt nằm ở khu vực giáp danh giữa Bá Thước (Thanh Hóa) và Mai Châu (Hòa Bình) nên phải cần sự phối hợp giữa lực lượng các bên. Các đối tượng trang bị hàng nóng, sẵn sàng chống trả nên phải có cả lực lượng công an, chính quyền địa phương, kiểm lâm mới đấu tranh, xử lý được. Ngoài ra, các nhóm thường xuyên tranh giành lãnh địa gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Nguy cơ tai nạn, những vụ sập hầm đã khiến nhiều phu đào vàng bỏ mạng chốn rừng xanh”.
Các vụ tai nạn nhỏ lẻ thường được nhóm đối tượng ém nhẹm, giấu đưa xác về quê an táng. Kinh hoàng nhất là vụ việc ngày 5/6/2016, Khà Văn Huyền (34 tuổi, quê ở Mai Châu, Hòa Bình) và Bùi Văn Mẫn (42 tuổi, ở Kim Bôi, Hòa Bình) xuống hang Nước thuộc khu vực Bãi Kịt để sửa máy đào vàng thì bị ngạt khí không lên trên được. Nghe thấy tiếng kêu cứu, Phạm Văn Dụng (54 tuổi, trú ở thôn xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) vội xuống hang xem xét thực hư. Tuy nhiên, do nồng độ khí độc khá lớn nên anh này bị bất tỉnh.
Do đây là khu vực núi cao, hiểm trở, rất ít người qua lại nên mãi đến trưa 6/6, người dân mới phát hiện 3 người đào vàng bị mắc kẹt dưới hang nên đã báo cho cơ quan chức năng. Một cuộc giải cứu quy mô và tốn kém được triển khai. Hang Nước tối đen như mực, nhiều mỏm đá sắc nhọn nhô ra, trơn trượt. Càng xuống sâu, máy báo mức độ khí độc tăng dần. Địa hình hang rất phức tạp, sâu khoảng 90-100m, có hai đoạn nút thắt cổ chai, đường kính cửa vào rộng hơn thân người một chút. Trong hang, đá tai mèo lởm chởm, nhọn hoắt. Mùa mưa, đường vào hang trơn trượt khiến cho cuộc giải cứu kéo dài. Dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực nhưng kết cục chỉ đưa được 3 thi thể lên khỏi hang. Sau đó, lực lượng công binh đã đánh sập hang để tránh tình trạng tái diễn khai thác vàng trái phép.
Từ vụ việc kinh hoàng trên, cơ quan chức năng tăng cường quản lý khu vực rừng đặc dụng, tuyên truyền cho người dân không tham gia hoặc tiếp tay các hành vi khai thác vàng trái phép. Nhưng chỉ được một thời gian khi lực lượng chức năng rời đi, các đối tượng lại lén lút quay trở lại.
Từ đầu tháng 7/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 đối tượng (2 người ở Thái Nguyên, 1 người ở Nghệ An) có hành vi đưa máy móc, cuốc, xẻng, ống dẫn nước vào khu vực hang Nước. Qua đấu tranh, một đối tượng thừa nhận hành vi và bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi phá rừng trái phép. Tháng 9/2020, đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, phát hiện 5 đối tượng (1 người đến từ Hà Nội, 3 người từ Thái Nguyên và 1 người ở Lang Chánh) có hành vi chặt 4 cây rừng, đào đãi đất với mục đích khai thác vàng. Tổ công tác đã lập biên bản, thu giữ các hiện vật, công cụ, phương tiện tại hiện trường. Giữa năm 2021, liên tục phát hiện các đối tượng xâm nhập vào rừng khai thác vàng trái phép.
Để ngăn chặn việc khai thác vàng trái phép trong khu vực rừng đặc dụng Pù Luông cần có sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các lực lượng chức năng. Đơn vị bảo vệ rừng cùng với công an xã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, nhất là ở các bản Kịt, Cao Hoong không tham gia vào hoạt động khai thác vàng trái phép. Khi phát hiện các đối tượng lạ mặt xuất hiện tại các khu vực trên thì báo ngay cho các lực lượng chuyên trách. Đồng thời tạo sinh kế để người dân bản địa có công ăn việc làm, thu nhập ổn định tránh xa con đường mịt mùng tìm vàng nơi thâm sơn cùng cốc, để không thành thân tàn ma dại hay bỏ mạng nơi rừng thiêng.